Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2015 ước đạt 165,6 tỉ USD, tăng 12% so với
năm 2014. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa phục vụ tích cực cho hoạt động
sản xuất; cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ
trọng nhóm hàng tiêu dùng và tăng dần tỉ trọng nhóm hàng nguyên, nhiên
vật liệu phục vụ cho sản xuất. Nhập siêu năm 2015 được kiểm soát tốt, cả
năm nhập siêu ước khoảng 3,17 tỉ USD, tương đương 2% của kim ngạnh xuất
khẩu.
Thị trường hàng hóa trong nước dồi dào,
nguồn cung hàng hóa trên thị trường luôn được đảm bảo, giá cả nguyên
nhiên vật liệu ở mức thấp… là những yếu tố tích cực thúc đẩy tiêu dùng.
So với cùng kỳ năm 2014, chỉ số lạm phát thấp giúp tiêu dùng trong nước
được cải thiện, lượng hàng tồn kho đã ở mức bình thường; tổng mức lưu
chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2015 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.
Năm 2015 được đánh giá là năm đạt được
kết quả hội nhập kinh tế quốc tế rất tích cực khi Việt Nam đã ký kết
Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc;
kết thúc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu, kết thúc đàm phán Hiệp định
đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với kết quả này, Việt Nam đã có
FTA với 55 nền kinh tế thế giới, trong đó có 17/20 đối tác G20 và 7/7
đối tác của G7…
Ngoài ra, tính đến hết năm 2015, về cơ
bản Bộ Công Thương đã hoàn thành mục tiêu sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp
theo kế hoạch được duyệt.
Về nhiệm vụ sản xuất công nghiệp và hoạt
động thương mại năm 2016, ngành công thương đã đề ra các mục tiêu để
góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2016 tăng 6,7%, cụ
thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2015; xuất
khẩu năm 2016 đạt khoảng 178 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2015; tỉ lệ
nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 5%; tổng
mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tăng khoảng 11,5-12%.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ