Từ chỗ là hộ khó khăn về diện tích đất
sản xuất nông nghiệp, thiếu vốn, cây trồng chủ lực là bắp, mì, ớt ít
mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2007, ông đã được vay 20 triệu đồng theo
diện hộ nghèo để chuyển sang chăn nuôi. Nhận thấy vùng đất thôn Tân Dân,
xã Vạn Thắng gần đồi núi, có nhiều cây rừng, ông mua dê về nuôi. Dê là
đối tượng dễ nuôi, nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ và cây dại nên sau nhiều
tháng, đàn dê phát triển. Đến kỳ xuất bán, có tiền, ông nghĩ đến việc
nuôi thêm bò và heo rừng lai. Nhờ chịu khó chăn nuôi, đến nay, ông đã
tạo dựng được đàn gia súc, gia cầm gồm: hơn 100 con dê, 10 con bò, 5 con
heo rừng lai sinh sản và đàn gà Đông Tảo, vịt, ngan… Bình quân mỗi năm,
trừ chi phí, ông thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Nhờ đó, ông có điều
kiện trả nợ cho ngân hàng và năm 2011 thoát khỏi hộ nghèo.
Bên cạnh đó, ông Trì còn là một trong những hội viên nòng cốt, đi đầu
trong các phong trào xây dựng chi hội đạt trong sạch vững mạnh, thường
xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho hội viên CCB khó khăn, giúp
nhiều hội viên áp dụng mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả.
Ông Trần Văn Long, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Vạn Ninh cho biết: “Qua
nhiều năm, các mô hình phát triển kinh tế, thoát nghèo của nhiều hội
viên CCB tại xã Vạn Thắng như: trồng tre lấy măng của CCB Trịnh Gia Cát;
trồng trọt, chăn nuôi dê của CCB Bùi Xuân Thiện; nuôi dê, nuôi bò của
CCB Lê Thanh Trì... được Hội CCB cấp huyện, cấp tỉnh đánh giá cao. Qua
đó góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hội CCB huyện Vạn Ninh giảm mạnh qua
từng năm, hiện nay chỉ còn 6 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo”.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa