Thời gian qua, nhờ phối hợp tốt giữa lực lượng ngành chức năng quản lý rừng và các xã, thị trấn nên công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Vạn Ninh chuyển biến tích cực, các vụ khai thác lâm sản trái phép ngày càng giảm mạnh. Để tiếp tục hạ nhiệt các điểm nóng phá rừng ở một số địa phương, trong đó rừng thượng nguồn Dốc Mỏ - Suối Hương thuộc xã Vạn Bình là một trong những điểm nóng, do vậy từ đầu năm đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cùng Hạt kiểm lâm Vạn Ninh đã tăng cường lực lượng chốt chặn với mục tiêu sẽ xử lý dứt điểm nạn phá rừng tại khu vực này.
Lâu nay, khu vực rừng thượng nguồn Dốc Mỏ - Suối Hương luôn là địa điểm mà các đối tượng khai thác lâm sản trái phép tìm đến. Trước đây, hoạt động vận chuyển lâm sản trái phép tại đây chủ yếu bằng xe đạp, sau khi tuyến đường lâm sinh phòng cháy, chữa cháy rừng được mở từ Dốc Mỏ lên suối Hương thì hoạt động khai thác lâm sản tại đây trở nên rầm rộ hơn, các đối tượng thường dùng xe gắn máy đã qua độ, chế thêm các bộ phận để chuyên chở lâm sản trái phép. Đặc biệt, từ sau cơn bão số 12 cuối năm 2017, nhu cầu sử dụng gỗ làm lồng bè tăng cao đột biến đã khiến cho rừng Dốc Mỏ - Suối Hương luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại, cao điểm có cả trăm người lên rừng khai thác gỗ trái phép. Khi lực lượng chức năng tiến hành đóng chốt giữ rừng, nhiều đối tượng đã manh động, chống đối, thậm chí hành hung lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Các đối tượng phá rừng không chỉ có người dân ở xã Vạn Bình mà còn thuộc một số xã lân cận. Ông Trần Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND xã Vạn Bình cho biết: “Qua phối hợp và nắm bắt thông tin có một số đối tượng trên địa bàn xã gây hấn cán bộ tại chốt bảo vệ rừng Dốc Mỏ - Suối Hương. Chính quyền xã đã chỉ đạo Ban công an xã lên tận địa điểm phối hợp xử lý và đã mời các đối tượng giáo dục, răn đe.”
Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Khánh Hòa mới đây. Ông Đặng Quang Thành, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết: “Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Ban có tổng cộng 32 người, phụ trách 2 địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh nhưng chúng tôi đã bố trí đến 14 người để chốt chặn 24/24 giờ trên tuyến đường Dốc Mỏ - suối Hương. Khi chúng tôi chốt chặn, không cho xe máy lên thì các đối tượng bỏ xe dưới chốt, đi bộ đường tắt lên rừng. Trong quá trình chốt chặn, không ít lần nhân viên bảo vệ rừng bị các đối tượng khai thác lâm sản trái phép hăm dọa, nhưng nhờ sự kiên trì, phối hợp giữa các lực lượng chức năng của Huyện, chính quyền cơ sở nên tình trạng phá rừng tại khu vực này đã giảm nhiều, không còn rầm rộ như năm 2018 và các tháng đầu năm 2019. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lực lượng, phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh, UBND xã Vạn Bình để tổ chức truy quét, mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng tại đây”.
Ngoài chốt chặn của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa trên tuyến đường Dốc Mỏ - Suối Hương còn có chốt chặn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Hương. Theo đại diện đơn vị này, công ty được giao quản lý, bảo vệ 500ha rừng tại khu vực Suối Hương để phát triển dược liệu dưới tán rừng và phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay công ty đã dành diện tích khoảng 2 hecta, làm đất, bón phân trồng cây Đinh Lăng, Ba kích và Xáo tam phân. Trước tình trạng xâm hại rừng khá phức tạp, Công ty đã thành lập tổ bảo vệ rừng chuyên trách với 5 người thường trực để tuần tra, ngăn chặn các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trong lâm phận.
Theo báo cáo của huyện Vạn Ninh, qua 7 tháng đầu năm các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Qua đó đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm Luật phát triển và bảo vệ rừng, lập biên bản xử phạt 5 trường hợp, tịch thu 7,084 m3 gỗ xẻ các loại và 6 xe mô tô. Trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, hiện nay toàn huyện có hơn 18.000 hecta rừng trồng. Huyện luôn chỉ đạo các phòng ban, ngành liên quan và UBND 13 xã, thị trấn nâng cao công tác tuyên truyền đến nhân dân và các chủ trồng rừng về phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường vận động người dân không tự ý vào rừng, hạn chế đốt thực bì ven rừng. Tuy nhiên, trong 2 tháng 6 và 7 do thời tiết hanh khô, toàn huyện đã xảy ra 3 vụ cháy rừng, chủ yếu rừng trồng keo, trồng bạch đàn với diện tích nhỏ tại 3 xã Đại Lãnh, Vạn Long và Vạn Hưng. Nhờ sử dụng các lực lượng tại chỗ và chỉ đạo kịp thời của UBND huyện cùng với các ngành liên quan nên các vụ cháy được dập tắt nhanh, thiệt hại không đáng kể. Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết: “Thời gian qua, UBND huyện đã liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã trên địa bàn huyện tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó có khu vực trọng điểm rừng Dốc Mỏ - Suối Hương. Gần đây, chủ rừng đã thực hiện tốt hơn trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng được giao; cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, UBND cấp xã nên tình trạng các đối tượng ngang nhiên vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép giảm mạnh. Để tình trạng phá rừng tại Dốc Mỏ - suối Hương giảm hẳn, UBND huyện đề nghị các ngành chức năng liên quan, chủ rừng và UBND xã Vạn Bình cần phối hợp tốt hơn nữa để đẩy lùi nạn phá rừng tại đây.
Trong chuyến công tác mới đây, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao công tác chỉ đạo của UBND huyện Vạn Ninh về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; Đoàn cũng đã yêu cầu các đơn vị trồng rừng cần tích cực phối hợp tốt với chính quyền các xã thị trấn để làm biện pháp giáo dục, răn đe đối tượng xấu. Ngoài việc tập trung truy quét, chốt chặn của các đơn vị chủ rừng thì chính quyền địa phương cũng cần nghiên cứu tạo sinh kế cho người dân, nhất là các hộ sinh sống gần rừng; trong đó, quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ được tiếp cận các chính sách trồng rừng, bảo vệ rừng. Từ đó giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định thu nhập, từ bỏ việc phá rừng trái pháp luật./.
HOÀI DUY