Thời gian qua, ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quản lý thuế đối với hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên số thu nộp vào ngân sách nhà nước vẫn còn hạn chế.
Tăng cường quản lý
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Tổng cục Thuế, ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã có nhiều công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT; ban hành thông báo hướng dẫn nhằm giúp tổ chức, cá nhân nắm bắt và thực hiện tốt nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT theo quy định. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương xác minh tình trạng hoạt động kinh doanh của cá nhân kinh doanh có đăng ký website bán hàng; đề nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển phát, bưu chính, viễn thông, giao nhận hàng hóa... cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển, giao nhận cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT để phục vụ công tác quản lý thuế.
|
Người dân lựa chọn hàng hóa trên môi trường mạng. |
Ngoài ra, trên cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân bán hàng trên sàn TMĐT do Tổng cục Thuế và Sở Công Thương cung cấp, Cục Thuế đã chỉ đạo các chi cục thuế rà soát, đưa vào quản lý thuế. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện rà soát 2.234 cá nhân và tổ chức có giao dịch kinh doanh TMĐT để đưa vào quản lý thuế theo quy định nhưng đa số các cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, dưới ngưỡng lập bộ quản lý thuế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới thực hiện quản lý thu thuế 55 cá nhân, hộ kinh doanh TMĐT; 90 tổ chức nộp thay thuế nhà thầu nước ngoài cho chủ sở hữu của các website là tổ chức, cá nhân nước ngoài, như: Agoda, Booking, Expedia… kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến có phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Tính đến ngày 30-7, tổng số thuế các cá nhân, hộ kinh doanh TMĐT phát sinh kê khai nộp thuế hơn 1 tỷ đồng; tổng số thuế các doanh nghiệp kê khai nộp thay các tổ chức, cá nhân nước ngoài gần 15,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, kịp thời chấn chỉnh các hành vi gian lận về thuế. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 2 doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện các doanh nghiệp kê khai thiếu thuế nhà thầu nước ngoài phải nộp đối với các tổ chức nước ngoài có thu nhập chịu thuế. Cục Thuế đã tiến hành truy thu thuế hơn 1 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 427 triệu đồng.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát
Tuy công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh bước đầu đã phát huy hiệu quả nhưng trong quá trình triển khai, cơ quan thuế vẫn gặp khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách thuế chưa quy định cụ thể về cách thức quản lý thuế và chế tài xử lý đối với lĩnh vực TMĐT nên còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT nhưng không thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định, gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đối với các cá nhân kinh doanh online trên các trang mạng xã hội, cơ quan thuế không thể quản lý được do họ thường không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh, địa chỉ cư trú rõ ràng; giá bán, số lượng sản phẩm được bên mua và bên bán liên hệ online với nhau, cơ quan thuế không thể xác định chính xác doanh thu và thu nhập của tổ chức, cá nhân kinh doanh để quản lý thu thuế. Trong khi đó, phương thức thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, trả tiền khi giao hàng nên không kiểm soát được doanh thu bán hàng; có trường hợp hộ kinh doanh không có địa chỉ như đăng ký, cơ quan thuế đã phối hợp với thôn, tổ dân phố rà soát nhưng vẫn không tìm thấy.
|
Người dân chọn mua hàng trên một trang mạng xã hội. |
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Trưởng phòng Thanh tra - kiểm tra số 4, Cục Thuế tỉnh cho biết, để quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT, thời gian qua, cơ quan thuế đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan chống thất thu thuế lĩnh vực kinh doanh này. Tuy nhiên, số thuế nộp ngân sách nhà nước so với sự phát triển và doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh TMĐT chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách. Từ thực tế đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, trong đó có mục quy định về trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế định kỳ hàng quý. Trên cơ sở đó, Cục Thuế tỉnh sẽ khai thác, truy cập thông tin, triển khai cho các đơn vị rà soát, kiểm tra và quản lý thuế theo quy định. Mặt khác, chú trọng công tác phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan công an trên địa bàn quản lý để phát hiện và xử lý theo quy định đối với các cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động giao dịch với các tổ chức nước ngoài nhưng chưa kê khai, nộp thuế; yêu cầu các tổ chức, cá nhân cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển của từng tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế nhằm răn đe, kịp thời chấn chỉnh các hành vi gian lận về thuế, đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vào nền nếp…
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa