Thu hoạch điều ở xã Vạn Phú.
Gia đình ông Lê Văn Phú (xã Vạn Phú)
trồng hơn 4,5ha điều. Năm ngoái, gia đình ông thu hoạch được hơn 8
tấn hạt; năm nay, sản lượng sụt giảm đến 50%. Ông Phú cho biết: “Do
thời tiết thay đổi, nhất là trong lúc điều ra hoa gặp đợt nắng
hạn nên không kết trái được nhiều. Dự tính trừ chi phí cả vụ thu
hoạch (từ tháng 3 đến tháng 6), tôi chỉ lời khoảng 50 triệu đồng, bằng
một nửa năm ngoái”.
Ông Nguyễn Văn Đát (xã Vạn Phú) cho
biết: “Tôi có 6ha điều, hàng năm thu được gần 15 tấn hạt, nhưng năm nay
chỉ đạt khoảng 6 tấn, sản lượng chỉ đạt khoảng 40% so với những năm
trước. Thời gian đầu, do chủ quan nên tôi chăm sóc điều không kỹ. Đến
khi hạn nặng kéo dài, điều bị khô bông, héo trái, năng suất giảm mạnh,
may mà không lỗ”.
Các địa phương khác ở Vạn Ninh như:
Xuân Sơn, Vạn Phước… cũng gặp tình trạng điều mất mùa. Bên cạnh đó, giá
nhân công lại tăng lên. Nếu như những năm trước, 1 người nhặt 1kg điều
với giá 2.000 đồng thì năm nay tăng lên 2.500 đồng. Vì vậy, nhiều gia
đình trồng điều tự thu hoạch, không dám thuê thêm nhân công.
Nhiều nông dân trồng điều phản ánh,
thời gian qua, giá điều lên xuống thất thường. Thời điểm giá điều lên
cao nhất là 33.000 đồng/kg, sau đó giảm xuống 28.000 đồng, rồi giữ ở mức
30.000 đồng. Một thương lái chuyên thu mua điều ở Vạn Ninh cho biết:
“Năm ngoái, giá hạt điều tươi ở mức 26.000 - 28.000 đồng/kg, tôi thu
mua được nhiều. Năm nay, tôi thu mua với giá 30.600 đồng/kg nhưng cả
ngày chỉ có vài người chở điều đến bán”.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Kinh tế
huyện Vạn Ninh: Toàn huyện có khoảng 170ha điều, trồng nhiều nhất ở các
địa phương: Vạn Phú, Xuân Sơn, Vạn Thắng. Năm nay, do nắng hạn kéo dài
nên điều cho trái không đồng đều. Người trồng điều tuy không bị lỗ
nhưng lãi giảm so với những năm trước. Do thời tiết biến đổi khó lường,
để đảm bảo chất lượng hạt điều, chúng tôi khuyến cáo nông dân nên
tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh, tưới tiêu và thu hái
trái đúng thời điểm.
|
Tìm hiểu được biết, do giá cả thất thường nên những đầu nậu bắt đầu ép
giá người trồng điều. Vì thế, nhiều hộ đã đi tìm thị trường mới ở các
tỉnh khác để tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Phú, gia đình ông kết hợp với
một số hộ khác đi khảo sát giá ở thị xã Ninh Hòa và Đắk Lắk. “Hiện nay,
chúng tôi không bán điều cho các thương lái trong huyện mà tự vận chuyển
bán cho đầu nậu tại Ninh Hòa với mức giá cao hơn. Trừ chi phí vận
chuyển, chúng tôi vẫn lời hơn. Đồng thời, chúng tôi đã đưa mẫu sản phẩm
đến một số nhà máy chế biến hạt điều ở Đắk Lắk, nếu giá cao sẽ bán cho
họ”, ông Trần Chung, người trồng điều ở Vạn Phú cho biết. Khi chúng tôi
đặt câu hỏi vì sao không hợp đồng thu mua với các nhà máy từ trước để có
giá cả ổn định, người dân cho biết, từ trước đến nay họ vẫn làm như vậy
do thói quen.
Điều là cây trồng có hiệu quả kinh tế
cao, giúp người dân nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, với cách làm tự phát
hiện nay, việc phát triển bền vững, mở rộng quy mô cây điều cũng như
nâng cao thu nhập cho người trồng sẽ rất khó. Vì vậy, thời gian tới, hy
vọng chính quyền địa phương sẽ cùng với nông dân bàn bạc để có hướng đi
hợp lý nhất.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa