Đến thăm mô hình trồng nấm linh chi đỏ của hộ nông dân Lê Thất Hiệp ở xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh. Trước mắt chúng tôi chỉ là không gian rộng hơn 20 mét vuông nhưng các giá thể nấm được chủ hộ treo ngay ngắn, thẳng tắp. Từng tai nấm linh chi đỏ trông rất bắt mắt với hình bầu tròn, bề mặt tai nấm màu đỏ thấm đang đua nhau phát triển. Qua tìm hiểu, ông Lê Thất Hiệp cho biết trước kia là hộ trồng lúa nước với diện tích khoảng 3 hecta. Do tình hình vật giá nông sản vài năm trở lại đây bấp bênh nên giá lúa cũng không còn mang lại lợi nhuận cao. Vì vậy trong một lần tình cờ đầu năm 2017 đến tham quan mô hình trồng nấm linh chi đỏ ở thành phố Nha Trang. Ông về suy nghĩ thêm, tìm tòi qua sách báo, internet để tìm thời điểm thích hợp bắt đầu trồng nấm. Nghĩ là làm, cuối năm 2017 ông Hiệp đã tận dụng gian nhà ở khoảng 20 mét vuông để làm nơi trồng và liên hệ kỹ thuật, công nghệ trồng nấm linh chi đỏ từ Đại học Cần Thơ chuyển giao. Sau 1 năm trồng thử nghiệm, hiện nay 500 giá thể tạo nấm linh chi đỏ của hộ ông đang bắt đầu cho thu hoạch. “Những lúc nông nhàn rãnh rỗi nên nghĩ ra làm thêm, ban đầu cũng tình cờ đi thăm người thân ở Nha Trang sau được dẫn đi tham quan một mô hình trồng nấm linh chi đỏ ở đó. Thế rồi về suy nghĩ trồng thử nghiệm, tuy nhiên thất bại cũng một hai lần rồi, nhưng nhờ tôi không nản chí và chịu khó tìm tòi ngày này qua ngày nọ vì sao nấm không phát triển, bị sâu. Do vậy hiện nay nấm linh chi đỏ đã không phụ công người trồng”. Lão nông Lê Thất Hiệp, đang phơi nấm phấn khởi chia sẻ.
Cũng theo kinh nghiệm trồng nấm Linh chi đỏ của ông Hiệp, trồng nấm linh chi đỏ đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mẩn trong từng công đoạn, trong đó nhà trồng phải thoáng mát, sạch sẽ, duy trì độ ẩm từ 60-80% và nhiệt độ từ 22 – 28 độ C, tránh tuyệt đối làm sao đừng để cho côn trùng lọt vào đục phá nấm; nước tưới phải sạch và chuẩn bị hệ thống nước ấm phun sương khi thời tiết bất lợi chuyển lạnh…Ngoài trồng nấm linh chi đỏ, ông Hiệp còn tìm tòi trồng thử nghiệm nấm bào ngư xám, nuôi trùn quế. Ông Hiệp chia sẻ nấm bào ngư xám là loại nấm có nhiều ưu điểm chất dinh dưỡng hơn các loại nấm bào ngư cùng tên khác. Loại nấm bào ngư xám được trồng và cho thu hoạch khoảng thời gian 2,5 tháng, còn nấm linh chi hơn 3,5 tháng. Theo ông Hiệp: giá của 1 ký nấm linh chi tươi mới thu hoạch khoảng 500 – 600 nghìn đồng/ kilogam, còn 1 kilogam nấm bào ngư xám có giá từ 45.000 nghìn đồng đến 50.000 nghìn đồng. Mỗi vụ trồng nấm sẽ cho thu hoạch từ 2 đến 3 đợt, tùy thời điểm trồng và cách chăm sóc thì nấm sẽ cho năng suất cao. So hiệu quả trồng nấm với trồng các loại cây khác như lúa, bắp cho hiệu quả cao gấp nhiều lần. Nói về tương lai nghề trồng nấm, năm 2019 ông Hiệp sẽ xây thêm nhà trại để mở rộng mô hình trồng nấm diện tích lên 50 mét vuông, với 2.000 giá thể tạo nấm linh chi đỏ. Ông mong muốn hội viên nông dân trong xã cần học hỏi mô hình trồng nấm, tôi sẽ chia sẻ để cùng nhau làm kinh tế gia đình. Đánh giá triển vọng mô hình trồng nấm linh chi của hộ ông Lê Thất Hiệp. Ông Nguyễn Minh Tri, Chủ tịch Hội nông dân xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh) cho biết: “Đối với Vạn Long hiện nay chỉ có hộ ông Lê Thất Hiệp trồng nấm linh chi đầu tiên của xã. Loại nấm linh chi này có giá trị kinh tế cao và mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong tương lai từ mô hình của anh Hiệp có thể phát triển nhân rộng ra cho bà con ở địa phương”.
Bước đầu mô hình trồng nấm linh chi của hộ ông Lê Thất Hiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế. Để mô hình trồng nấm linh chi được phát triển lâu dài, công tác bảo quản nấm khô, nguồn giống, cấy giống và cách phòng trừ sâu bệnh cần có sự hỗ trợ của cấp hội nông dân ở địa phương. Để từ đó nấm linh chi trở thành một trong những cây trồng phổ thông cùng với nhiều loại cây trồng khác, giúp bà con nông dân vươn lên thoát nghèo./.
HOÀI DUY