Xã Đại Lãnh, địa phương có phần đông người dân sinh sống và làm ăn gắn chặt với nghề biển vì vậy đây là nơi có lượng phương tiện tàu thuyền lớn của huyện với hơn 570 chiếc. Qua thông tin đại chúng, khi biết có bão số 9 và sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận trong các ngày từ 24 đến 25 tháng 11, ngư dân địa phương đã chủ động di chuyển thuyền đến nơi trú ẩn an toàn tại Vũng Rô (Phú Yên) và Đầm Môn (Vạn Thạnh); đối với các tàu có công suất nhỏ được đưa trú bão tại cầu Đại Lãnh. Theo lãnh đạo địa phương, nếu có bão xảy ra, địa phương sẽ di dời khoảng 58 hộ dân ra khỏi các khu vực xung yếu, đặc biệt là các nhà mặt giáp biển. Theo ghi nhận vào sáng ngày 22-11, các hộ dân có nhà mặt giáp biển đều đã di dời tài sản đến nơi an toàn, nhân dân cũng đã chủ động thực hiện chằng chống nhà cửa để bảo vệ tài sản và con người. Ông Mai Xuân Cảnh, người dân thôn Đông Nam 2, xã Đại Lãnh cho biết: Bão số 9 sắp tới thì bà con ở đây cũng chắn cửa bằng cát đất, dằn dây nhà cửa để khỏi bay tôn, ghe vô cầu núp. Cũng che xong rồi giờ bão vô thì khóa cửa cho con cái lên nhà trên ở, người gia thì tìm chỗ nào cao, nhà cửa kín ráo để ở.
Ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh nói: Địa phương đã có phương an di dời nhân dân các khu vực xung yếu, nếu hộ dân không có người thân thì sẽ đưa về trú ẩn tại các công trình kiên cố như: ủy ban xã hoặc các trường học.
Cũng là địa phương ven biển với số lượng ô lồng nuôi trồng thủy sản lớn của huyện Vạn Ninh, vì vậy công tác ứng phó với bão số 9 được xã Vạn Thạnh khẩn trương triển khai; hiện toàn xã có khoảng gần 4700 ô lồng với 442 hộ nuôi, đến nay đa số hộ nuôi đã vào vùng quy hoạch nuôi trồng, xã đang tập trung công tác vận động các hộ dân còn lại di dời lồng bè vào vùng nuôi trồng; ngoài ra địa phương đã chuẩn bị địa điểm tiếp nhận người dân từ các vùng xung yếu về nơi trú ẩn an toàn tại các công trình kiên cố, được biết sẽ có khoảng 158 hộ phải sơ tán đến nơi an toàn khi có bão đổ bộ. Trong thời gian còn lại, nhiệm vụ quan trọng mà xã Vạn Thanh tập trung thực hiện vẫn là vận động người nuôi trồng thủy sản di chuyển lồng bè vào vùng quy hoạch. Ông Lê Hoàng Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết thêm: Xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện cưỡng chế đối với người dân không chịu di dời, cùng với đó đã phối hợp với Đồn Biên phòng triển khai kế hoạch cưỡng chế người dân khi cấp thiết.
Đối với huyện, UBND huyện đã chủ động triển khai kế hoạch phòng chống bão số 9 đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các xã ven biển như Đại Lãnh, Vạn Thọ, Vạn Thạnh…tiến hành hướng dẫn tàu thuyền neo đậu tránh trú bão an toàn. Cụ thể, các địa phương tiến hành hướng dẫn cho hơn 1.800 phương tiện tàu thuyền tránh trú bão tại 3 khu neo đậu là cửa cầu Hiền Lương - cửa cầu Huyện; cửa cầu Đại Lãnh và cửa cầu Vũng Ké- Đầm Môn- Vạn Thạnh. để tránh gây thiệt hại về người; Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Vạn Ninh cũng yêu cầu các địa phương tiến hành công tác di dời, cưỡng chế lao động trên các lồng bè cũng như có biện pháp ngăn chặn tình trạng các lao động cố quay trở lại lồng bè sau khi đã được di dời vào bờ. Đối với công tác di dời dân, huyện cũng đã xây dựng phương án sơ tán cho khoảng 9.500 người thuộc các khu vực trũng có nguy cơ ngập lụt, nhà không kiên cố, nhà có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lỡ đất đến nơi an toàn. Ngoài ra, các phương án về đảm bảo an ninh trật tự, thông tin liên lạc, cấp điện; phương án dự trữ vật tư- trang thiết bị- nhu yếu phẩm cũng được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện khẩn trương thực hiện. Riêng đối với hơn 10.800 lồng bè; UBND huyện cũng yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát số lượng địa bàn quản lý, tuyên truyền vận động người dân di chuyển lồng bè vào vùng quy hoạch tránh trú an toàn. Ông Lê Văn Khải, Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: Đối với các đối tượng lao động trên lồng bè, UBND huyện chỉ đạo các xã và đồn biên phòng tổ chức truyên truyền thông tin trực tiếp đến các lồng bè và vận động để người ta biết và chuẩn bị, khi nào bão đổ bộ thì chằn chống lồng bè và di chuyển vào nơi an toàn. Cho đến thời điểm này, các thành viên trong ban chỉ đạo đã chia xuống địa bàn để đôn đốc nhắc nhở công tác chuẩn bị. Rút kinh nghiệm cơn bão số 12 thì đến thời điểm này nhận thức của bà con và địa phương về bão có tiến bộ và công tác chuẩn bị chu đáo hơn.
Tuy nhiên, người dân vẫn đóng vai trò quan trọng trong chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với bão, mọi người không được chủ quan, sớm triển khai chằng chống nhà cửa, di chuyển lồng bè vào vùng quy hoạch nuôi trồng, tổ chức chằng néo, và sớm đưa nhân công từ các lồng bè vào bờ trước thời điểm bão đổ bộ vào đất liền nhằm giảm thiệt hại, đảm bảo tài sản và con người trước trong và sau bão.
Th: Thanh Hải.