Đề tài “Xử lý rác thải nhựa polyethylene dựa vào quá trình phân hủy sinh học của một số loại sâu” của hai em Trần Hoàng Mai và Thái Mỹ Huyền (lớp 9/1, Trường THCS Võ Văn Ký, TP. Nha Trang) vaừa đạt giải nhất cấp thành phố, cấp tỉnh và quốc gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học năm học 2017 – 2018 và giải nhất Cuộc thi “Sáng tạo các giải pháp bảo vệ môi trường dành cho học sinh các trường THCS, THPT tỉnh Khánh Hòa” năm 2017.
Em Trần Hoàng Mai cho biết: “Nhựa được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày của mọi người vì nó tiện dụng, chi phí thấp, trọng lượng nhẹ, dễ sản xuất, linh hoạt, bền và không thấm nước. Tuy nhiên, hiện nay, việc xử lý rác thải nhựa đang là vấn đề nan giải. Các biện pháp truyền thống như: Chôn lấp, tái chế nhựa để sử dụng còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Vì vậy, chúng em muốn tìm ra một giải pháp phân hủy sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí”.
Sau khi tìm hiểu thông tin về loài sâu có khả năng ăn được rác thải nhựa (cụ thể là túi ni lông), dưới sự hướng dẫn của thầy Phạm Vũ Thanh An và sự giúp đỡ của cô Vũ Đặng Hạ Quyên (Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và môi trường - Trường Đại học Nha Trang), hai em Huyền, Mai đã bắt tay vào nghiên cứu. Sau khi tiến hành các nghiên cứu và thực hiện các thí nghiệm trên 4 loại sâu (sâu sáp, sâu rồng, sâu canxi và sâu quy), các em đã lựa chọn được 2 loại sâu có khả năng ăn được nhựa là sâu rồng và sâu sáp.
Em Mỹ Huyền cho biết: “Kết quả thực nghiệm cho thấy, tốc độ ăn và phân hủy polyethylene của sâu sáp nhanh hơn sâu rồng. Chất thải của hai loại sâu này sau khi ăn túi nhựa không còn polyethylene (thành phần chính của túi ni lông) và chúng được phân hủy bởi nhóm vi sinh vật đường ruột sống cộng sinh”.
Nghiên cứu này của hai em sẽ mang lại lợi ích rất lớn trong việc giải quyết vấn đề môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải nhựa với chi phí thấp, an toàn, hiệu quả cao.
Trích nguồn: Cổng thông tin điện tử Khánh Hòa