Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe
Lái xe là công việc đòi hỏi sức khỏe tốt vì nó liên quan đến an toàn không chỉ cho một mà còn nhiều người ngồi trong xe cũng như an toàn cho nhiều người và các phương tiện tham gia giao thông xung quanh.
Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe. Trong thông tư liên tịch có nêu rõ trách nhiệm của người lái xe, người sử dụng lao động lái xe và của cơ sở y tế trong việc khám sức khỏe cho người lái xe được quy định như sau:
Trách nhiệm của người lái xe
1. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe.
2. Tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe.
3. Phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn gây ảnh hưởng đến việc lái xe.
4. Chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc của người sử dụng lao động.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động lái xe ô tô
1. Sử dụng lái xe bảo đảm sức khỏe theo tiêu chuẩn quy định.
2. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe ô tô thuộc quyền quản lý theo đúng quy định của pháp luật về lao động.
3. Thực hiện việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đột xuất theo quy định.
4. Quản lý và theo dõi sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của lái xe theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của Sở Y tế và cơ quan quản lý nhà nước về y tế của các Bộ, ngành
1. Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động khám sức khỏe cho người lái xe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Kiểm tra, thanh tra hoạt động khám sức khỏe cho người lái xe của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định; đình chỉ hoặc kiến nghị đình chỉ hoạt động khám sức khỏe hoặc xử lý vi phạm việc khám sức khỏe cho người lái xe theo thẩm quyền.
3. Công bố công khai danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe cho người lái xe thuộc phạm vi quản lý trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về y tế của các bộ, ngành đồng thời có văn bản báo cáo Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế.
Thông tư áp dụng đối với người lái xe, người sử dụng lao động lái xe ô tô, các cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài ra, để việc khám sức khỏe cho lái xe được diễn ra thuận lợi, người lái xe phải có trách nhiệm kê khai rõ chi tiết tiền sử bệnh và các loại thuốc đang dùng và được khám về tâm thần, thần kinh, mắt, tai-mũi-họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp... Người lái xe cần thực hiện các xét nghiệm bắt buộc như: xét nghiệm ma túy (test Morphin/Heroin, Amphetamin, Methamphetamin, Marijuana (cần sa)); xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở; các xét nghiệm chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sỹ khám sức khỏe như: Huyết học/sinh hóa/X.quang...Nội dung khám sức khỏe cho tài xế căn cứ theo: Phụ lục số 02 mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21 tháng 8 năm 2015).
Việc“Thực hiện nghiêm quy định khám sức khoẻ định kỳ cho lái xe” cũng nằm trong nội dung Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2018; nhiệm vụ năm 2019. Điều đó cho ta thấy, tầm quan trọng của việc khám sức khỏe người lái xe khi tham gia giao thông và quy định của Nhà nước về đảm bảo kiểm tra sức khỏe bắt buộc đối với tài xế tham gia giao thông là quy định rất thiết thực và hướng tới cộng đồng, vì sự an toàn của những người tham gia giao thông bởi lẽ với tình hình kinh tế phát triển như hiện nay thì hình thức kinh doanh vận tải cũng sẽ ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp hơn. Việc chấp hành khám sức khỏe cho người lái xe là nhiệm vụ trọng tâm cần thiết trong việc đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông; giảm thiểu tai nạn thương tâm, gây thiệt hại lớn về người và của; góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời kỳ hội nhập./.
Thực hiện: Phú Ngọc