Chiều ngày 22/4/2014, tại Hội trường UBND xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; Ban Tư pháp xã Vạn Bình đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về nội dung của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đến các ban ngành, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã nhằm nâng cao nhận thức về Hiến pháp, ý thức chấp hành và bảo vệ Hiến pháp; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ban ngành, các tổ chức đoàn thể ở địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, tạo động lực cho quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Về tham dự Hội nghị có đồng chí Hồ Quang Thành, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Vạn Ninh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, các đồng chí thường trực các đoàn thể ở xã, Ban nhân dân 08 thôn và hơn 60 đại biểu ưu tú trên toàn xã về tham dự hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Quang Thanh, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Vạn Ninh đã trình bày về những nội dung cơ bản và những nét đổi mới của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Đồng chí Hồ Quang Thành nhấn mạnh. “Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013 là sự bảo đảm về chính trị, tạo pháp lý vững chắc cho dân tộc, nhân dân và nhà nước vượt qua những thách thức khó khăn, vững bước tiến lên trong thời kỳ đổi mới. Đây cũng là bản Hiến pháp vừa kế thừa giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, vừa thể chế hóa quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do vậy, việc tổ chức những buổi sinh hoạt chính trị là nhiệm vụ quan trọng để tuyên truyền, phổ biến về nội dung của Hiến pháp sửa đổi”.
Đồng chí Hồ Quang Thành, Trưởng Phòng Tư pháp trình bày tại Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghi đã được nghe sơ lược về 11 Chương của Hiến pháp sửa đổi năm 2013, trong đó tập trung vào những điểm mới tại Chương I: Chế độ chính trị, Chương II: Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, Chương V: Quốc hội. Đồng chí Hồ Quang Thành cho biết: “Với bố cục 11 Chương, 120 Điều (giảm 1 Chương và 27 Điều so với Hiến pháp năm 1992), bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013 có nhiều điểm mới về cả nội dung và kỹ thuật lập hiến. Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện sâu sắc và toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân”.
TH: Phạm Văn Hoàng