Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau hơn 2 tháng dịch bệnh tai xanh ở lợn đã được kiểm soát và khống chế trong cả nước, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ dịch tai xanh đã xảy ra ở 14 xã thuộc các huyện Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) với số lợn mắc bệnh trên 2.500 con, đang có nguy cơ lây lan rộng trong toàn tỉnh Quảng Nam và địa phương khác.
Nguyên nhân chính làm lây lan dịch lợn tai xanh hiện nay là do tại nhiều địa phương, người chăn nuôi và cán bộ thú y cơ sở, khi phát hiện lợn mắc bệnh đã không báo ngay cho cơ quan thú y cấp trên và chính quyền cơ sở, thậm chí còn bán chạy, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm lợn mắc bệnh.
Để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng, góp phần ổn định và phát triển chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm khẩn trương chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho người chăn nuôi về nguy cơ phát sinh dịch tai xanh trên địa bàn; yêu cầu khi phát hiện lợn có hiện tượng sốt cao, khó thở, thân đỏ đồng hoặc tím tái, tiêu chảy hoặc táo bón, lợn nái sảy thai,... phải báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y huyện, hoặc tỉnh để hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách hỗ trợ người chăn nuôi khi có dịch bệnh xẩy ra để người chăn nuôi được biết; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn theo quy định; nghiêm cấm việc bán chạy lợn bệnh và sản phẩm lợn bệnh làm lây lan dịch.
Đối với các tỉnh đang có dịch tai xanh, Bộ yêu cầu tổ chức công bố dịch trên địa bàn các huyện có ổ dịch lợn tai xanh, thống kê đàn lợn và số lượng từng loại lợn trong địa bàn các xã, huyện có dịch; khẩn trương tiêm phòng bao vây triệt để các ổ dịch, lập các chốt kiểm dịch để quản lý chặt chẽ các ổ dịch, không vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn mắc bệnh ra ngoài ổ dịch.
Đồng thời, thành lập ngay các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác chống dịch tại những địa bàn có dịch tai xanh và công tác phòng dịch tại các khu vực chăn nuôi lợn, khu vực giết mổ, buôn bán có nguy cơ cao phát sinh các ổ dịch.
Ngoài ra, UBND các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở và hệ thống thú y cơ sở của địa phương cần chủ động thu thập thông tin, kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm các ổ dịch xảy ra trên địa bàn; tổ chức tiêm phòng đầy đủ các bệnh nguy hiểm ở lợn theo quy định; phát động chiến dịch tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường toàn bộ vùng có dịch bệnh và các vùng chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh.
Theo Báo Khánh Hòa
|