"Ngày
hôm kia, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu và bản thân tôi cũng từng trả lời
phỏng vấn về vấn đề này: Internet là một bước tiến của nhân loại để con người
xích lại gần nhau hơn. Do đó, chúng ta vừa phải khuyến khích Internet và mạng
xã hội phát triển, nhưng đồng thời cũng phải giáo dục nhận thức để người dùng
sử dụng mạng xã hội đúng cách, văn minh", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để
minh chứng cho quan điểm này, Thứ trưởng đã lấy hình ảnh ô tô để so sánh với
mạng xã hội (MXH). Ô tô là một công nghệ ưu việt giúp con người di chuyển nhanh
hơn, tiện lợi hơn. Do đó, khi xảy ra tai nạn, chúng ta không thể đổ lỗi cho ô
tô mà phải quy trách nhiệm cho người cầm lái. Tương tự, ta cũng không thể quy
kết cho Internet hay mạng xã hội đối với những hiện tượng tiêu cực. Mấu chốt
của vấn đề luôn nằm ở người dùng.
Ông
Peter Limbourg, Tổng giám đốc DW khẳng định Chính phủ Đức cũng có cách tiếp cận
tương tự đối với vấn đề quản lý Internet và mạng xã hội ra sao. "Chúng tôi
cho rằng không có giải pháp tuyệt đối nào cho vấn đề này cả. Chỉ có thể an toàn
tuyệt đối khi ta cắt hẳn Internet hay MXH, nhưng như thế thì không khác nào ta
tự cô lập mình trong thời đại hiện nay. Giải pháp khả thi hơn cả vẫn là hướng
dẫn cho người dùng cách sử dụng mạng xã hội một cách trách nhiệm".
Theo
phân tích của vị đại diện DW, vấn đề lớn nhất của Internet chính là sự ẩn danh.
Nhiều người dùng thoải mái phát ngôn vì họ tưởng rằng sẽ không ai biết mình là
ai, và mình sẽ không phải hứng chịu bất cứ hậu quả gì từ phát ngôn đó. Nếu
người dùng sử dụng Internet và MXH với trách nhiệm và ý thức cao hơn, phân biệt
được đúng - sai, tốt - xấu, thì những hiện tượng tiêu cực sẽ được loại bỏ một
cách đáng kể.
Không
phải Tổng biên tập "nhân dân" nào cũng chuẩn!
Thứ
trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, báo chí nói chung và môi trường Internet,
MXH tại Việt Nam hiện nay khá tự do. Cả nước đang có hơn 1000 cơ quan báo chí
đang hoạt động, với rất nhiều loại hình. Nhiều cơ quan có 2,3, thậm chí là 4
loại hình báo chí song song như báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh.
"Có
thể nói môi trường mạng VN hiện tự do, thông thoáng hơn nhiều so với một số
nước khác trong khu vực. Hiện tại, đã có hơn 40 nhà mạng được cấp phép và đang
hoạt động tại Việt Nam. Google, Facebook, YouTube đang hoạt động rất mạnh. Ngay
cả Singapore cũng đang quản lý Internet, MXH chặt chẽ hơn so với Việt
Nam", Thứ trưởng chỉ ra.
Tuy
nhiên, cũng chính vì sự thông thoáng này nên đã xảy ra một số hệ lụy đáng tiếc,
mà bản thân cơ quan quản lý cũng còn lúng túng chưa tìm được cách xử lý tối ưu,
do chưa có hành lang pháp lý để xử phạt, Thứ trưởng thừa nhận. Chẳng hạn như
các cá nhân dùng MXH nói xấu nhau, xúc phạm đời tư nhau thì chưa có chế tài cụ
thể.
"Mỗi
người dân hiện nay nếu có trong tay smartphone thì cũng chẳng khác gì một cơ
quan báo chí: vừa chụp ảnh, làm tin rồi đăng lên trang Facebook cá nhân. Chúng
tôi vẫn nói vui rằng, mỗi người dân Việt Nam đều có thể là một Tổng biên tập
kiêm phóng viên".
Đánh
giá cao nỗ lực thông thoáng và cởi mở của Việt Nam trong việc để cho Internet
và MXH nhiều khoảng trống tự do để phát triển, đại diện truyền thông Đức cho
rằng đây là một yếu tố quan trọng để Xã hội VN có thể năng động, sáng tạo.
"Ở
Đức, chúng tôi cũng gặp phải vấn đề này. DW cho phép khán giả bình luận về nội
dung chương trình thoải mái, nhưng cũng vì thế mà gặp nhiều phiền toái",
ông Limbourg thừa nhận. "Chúng ta phải chấp nhận thực tế là nhiều Tổng
biên tập "nhân dân" không có trình độ nên nhìn nhận, phản ánh sự việc
sai lệch, thậm chí là hơi "ngớ ngẩn". Nguy hiểm hơn, nhiều người còn
cố tình bình luận phân biệt chủng tộc, thù ghét xã hội, miệt thị tôn giáo,
khiêu khích bạo lực... Thậm chí có hiện tượng một thế lực nào đó bỏ tiền ra
thuê người ta viết bình luận bên dưới các bài báo về đề tại nhạy cảm", vị
TGĐ DW liệt kê ra một loạt biểu hiện tiêu cực trong cộng đồng mạng của Đức.
Chính
vì thế, trong một số trường hợp, DW cũng phải tiến hành đóng mục bình luận
(comment) lại khi có quá nhiều ý kiến, quan điểm tiêu cực.
Một
điểm đáng chú ý là cả hai nước dường như đều có chung quan điểm đối với vấn đề
bảo vệ trẻ em trên MXH ra sao. Thứ trưởng Tuấn cho biết, ở VN, trẻ em, thanh
thiếu niên sử dụng MXH rất nhiều. Trong khi đó, có rất nhiều hình ảnh, nội dung
tung lên mạng rất có hại như sex, bạo lực và trẻ em có thể dễ dàng truy cập xem
được. Nhiều gia đình, phụ huynh đã lên tiếng quan ngại về vấn đề này, nhưng
quản lý được triệt để thực sự là một thách thức. Nước Úc có riêng một luật ATTT
để bảo vệ trẻ em, tránh cho trẻ em khỏi sự xâm hại của môi trường mạng. Việc
đưa nội dung, hình ảnh ảnh hưởng đến trẻ em đều bị cấm. Đây là một hướng giải
pháp mà Đức và Việt Nam có thể tham khảo.
Về
phía Đức, ông Limbourg cho biết mới đây, MXH nước này đã lan truyền rất nhanh
một thông điệp của cảnh sát địa phương, trong đó khuyến nghị các bậc cha mẹ
tuyệt đối không đăng tải ảnh con cái bừa bãi lên mạng, như một hình thức để bảo
vệ an toàn cho con cái của mình trước những nguy cơ xâm hại từ môi trường ảo.
Điều thú vị là thông điệp này cũng vừa được báo chí Việt Nam đăng tải lại và
cũng đang được cư dân mạng VN chia sẻ nhanh không kém.
Khuyến
khích liên kết truyền hình
Theo
dự kiến, chiều nay, DW sẽ ký kết một thỏa thuận hợp tác về việc tăng cường trao
đổi nội dung chương trình truyền hình với Đài Truyền hình Việt Nam VTV. Ông
Limbourg cho biết, người dân Đức hiện đang rất quan tâm đến văn hóa châu Á. Do
đó, nhu cầu tăng cường hợp tác truyền thông giữa hai nước đang rất lớn. Hơn
nữa, việc hợp tác sản xuất chương trình cũng là một cách hiệu quả và nhanh nhất
để giới thiệu văn hóa Việt Nam vào Đức một cách sâu rộng.
Chia
sẻ vắn tắt với DW về bức tranh truyền hình tổng thể tại Việt Nam hiện nay, Thứ
trưởng cho biết cả nước hiện đang có 103 kênh truyền hình trả tiền, 75 kênh
quảng bá và 67 đài PTTH. Riêng VTV đã có 9 kênh quảng bá. Các hãng truyền thông
quốc tế lớn như CNN, BBC, NHK đều có mặt tại Việt Nam, tạo nên một môi trường
truyền hình phát triển hết sức đa dạng, phong phú. Đặc biệt, VN đang triển khai
Quy hoạch báo chí đến năm 2025, trong đó tiếp tục phát triển các kênh truyền
hình, nhất là truyền hình quảng bá, hướng tới xây dựng các cơ quan báo chí đa
phương tiện.
Trước
câu hỏi của DW về việc nhà đầu tư nước ngoài như Đức có thể liên kết sản xuất,
đầu tư vào lĩnh vực truyền thông Việt Nam hay không, Thứ trưởng chia sẻ rất
thẳng thắn rằng, theo Luật Báo chí sửa đổi, có rất nhiều điểm mới mà một trong
số đó là tăng cường nội dung liên kết của các đài truyền hình.
"Quan
điểm của Nhà nước là không giới hạn sự liên kết đó. Trên thực tế, các đài TH
trong thời gian qua vẫn đang liên kết rất nhiều chương trình. Mà một khi đã
liên kết, chúng tôi không phân biệt tư nhân hay Nhà nước, miễn là đạt hiệu
quả", Thứ trưởng khẳng định.
Quan
điểm của VN là liên kết cả sản xuất chương trình lẫn nội dung, miễn là nội dung
đó không ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích quốc gia, không xâm phạm đời tư theo
đúng pháp luật VN. "Chúng tôi khuyến khích liên kết, nhất là với các đối
tác nước ngoài", để tạo ra các chương trình chất lượng, hấp dẫn, phục vụ
nhu cầu chính đáng của khán giả.
Ngoài
VTV, Thứ trưởng hy vọng DW sẽ tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng nhiều cơ
quan báo chí lớn khác của Việt Nam như Thông tấn xã VN, tăng cường sự hợp tác
truyền thông hơn nữa giữa Đức và Việt Nam. Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước,
ông cam kết sẽ hỗ trợ hết mức các nỗ lực hợp tác song phương trong tương lai.
Nguồn: Báo điện tử Sở Thông tin truyền thông