Ít tỉnh nào có lợi thế về địa lý và không gian phát triển như Khánh Hòa. Khi được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội có Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, những lợi thế này càng được phát huy, tạo tiền đề để tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ, tạo động lực phát triển vùng. Nhân dịp đầu năm mới 2023, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
|
Cơ hội thu hút đầu tư
- Sau gần một năm Trung ương đã trao quyền cho tỉnh bằng những chính sách đặc thù khác biệt so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tỉnh đã có những chuyển biến nào, thưa ông?
- Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 20,7%, cao nhất cả nước; thu ngân sách đạt 16.418 tỷ đồng, du lịch đón hơn 2,5 triệu lượt khách. Tính đến giữa tháng 11-2022, tỉnh đã giải ngân đầu tư công đạt 70%, quyết tâm giải ngân đạt 100% vào cuối tháng 1-2023. Các dự án trọng điểm quốc gia đã bàn giao đúng tiến độ 80% mặt bằng cho Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang và đang xúc tiến bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Hai công trình trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn tỉnh sẽ thực hiện đúng tiến độ.
Tỉnh đang tập trung triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, lập và điều chỉnh các quy hoạch quan trọng trên địa bàn tỉnh; cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát triển dịch vụ, du lịch, công nghiệp, kinh tế biển, kinh tế số, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…
- Ông vừa dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh sang Hàn Quốc xúc tiến đầu tư, kết quả ra sao?
- Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm đến thị trường Khánh Hòa, bởi vì Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) đã xây dựng nhà máy đóng tàu biển lớn nhất Đông Nam Á tại Khánh Hòa, mỗi năm nhà máy đóng 14 chiếc tàu, với tải trọng 35.000 - 110.000 tấn/tàu. Những năm gần đây, khách du lịch Hàn Quốc đến Khánh Hòa khá nhiều, năm 2022 chiếm khoảng 60% lượng khách quốc tế đến tỉnh. Đến nay, đã có 7 hãng hàng không của Việt Nam và Hàn Quốc mở các chuyến bay trực tiếp từ Thủ đô Seoul và nhiều thành phố lớn của Hàn Quốc đến sân bay quốc tế Cam Ranh. Nhiều nhà đầu tư của Hàn Quốc đặt vấn đề phát triển năng lượng sạch, nhà máy chế tạo thiết bị điện gió,… đã được tỉnh giới thiệu các khu công nghiệp gần cảng biển.
- Đến nay, Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong chưa thu hút được nhà đầu tư tầm cỡ nào để tạo ra hạt nhân phát triển. Từ những chính sách của Trung ương liệu có bước đột phá mới nào thời gian tới?
- Theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, phía bắc KKT Vân Phong được xác định là đô thị du lịch, thương mại đẳng cấp quốc tế; phía nam là khu đô thị công nghiệp, năng lượng. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong, tỉnh sẽ khẩn trương kêu gọi xúc tiến đầu tư với các chính sách ưu đãi theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội, trong đó đã nêu rõ tiêu chí nhà đầu tư chiến lược vào KKT Vân Phong.
Hiện nay, phía nam Vân Phong có Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Cảng nam Vân Phong gắn với Khu Công nghiệp Ninh Thủy. Trong tương lai, khi tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hoàn thành sẽ đấu nối với khu vực Cảng nam Vân Phong, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phát triển mạnh. Khu vực phía nam Vân Phong có nhiều cảng biển khác nhau. Do đó, tỉnh sẽ làm việc với Bộ Giao thông vận tải để hình thành hệ thống cảng biển liên hoàn, đảm bảo cho nam Vân Phong phát triển sôi động, hạ tầng đồng bộ.
Sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương
- Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, có hiệu lực 5 năm. Theo ông, với thời gian như thế sẽ có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư?
- 5 năm không phải là thời gian dài, do đó lãnh đạo tỉnh sẽ tích cực, năng động, sáng tạo, tranh thủ sự chỉ đạo của các bộ, ngành và Chính phủ. Đến tháng 10-2027, Quốc hội sẽ tổng kết việc thực hiện nghị quyết này. Do đó, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh phải tạo được nền móng vững chắc về quy hoạch, định hướng phát triển và xúc tiến ngay việc kêu gọi đầu tư. Nghị quyết số 55 cho phép doanh nghiệp, đơn vị đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu và có chấp thuận chủ trương đầu tư của tỉnh hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì tiếp tục được hưởng lợi chính sách ưu đãi sau năm 2027, theo các danh mục đầu tư và điều kiện đầu tư nêu trong nghị quyết.
- Từ thực tiễn của tỉnh đang thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55 của Quốc hội, có những vướng mắc nào cần được tháo gỡ ngay, thưa ông?
- Trong quá trình thực hiện các nghị quyết có một số vấn đề đặt ra: Thứ nhất, các quy hoạch phải được Chính phủ phê duyệt sớm vì nhà đầu tư muốn đầu tư vào tỉnh mà quy hoạch chưa được phê duyệt thì rất khó. Thứ hai, các chính sách đặc thù phải được các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện trên cơ sở Nghị quyết số 42 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Thứ ba, về phía chính quyền phải đảm bảo tổ chức thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và giải quyết tốt công ăn việc làm cho người dân ở vùng bị ảnh hưởng. Thứ tư, khẩn trương xác định ngân sách được thụ hưởng, thu hút nguồn vốn để xây dựng những công trình trọng điểm. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong năm 2023, tỉnh sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa
- Xin cảm ơn ông!