Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo với hai chân bị tật sau một lần bạo bệnh lúc nhỏ, song bà Trương Thị Phúc ở thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh đã không đầu hàng số phận. Bằng chính tình yêu thương của mình, hơn 40 năm qua bà Phúc đã âm thầm lặng lẽ dạy học miễn phí cho rất nhiều con em hộ nghèo ở vùng biển nơi đây bằng chính kiến thức tự học của mình. Với cái tên “cô giáo làng” thân thương được nhiều người dân làng biển thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng dành cho người phụ nữ bị tật nguyền nhưng giàu tình yêu thương này.
Một buổi chiều tối tháng 5, chúng tôi có dịp đến với nơi dạy học của cô Phúc. Nhìn không gian ngôi nhà chật hẹp ít ai nghĩ bên trong ngôi nhà, cô Phúc lại có nơi để gieo chữ cho các em học sinh nghèo trong xóm. Mặc dù đôi chân di chuyển khó khăn nhưng với tình yêu thương dành cho các em nghèo, ngày ngày cô Phúc đã không quản ngại vất vả cố gắng gieo con chữ, uốn nắn và sửa từng lỗi chính tả cho các em học sinh đang theo học. Đối với cô Phúc, việc thân thể bị thương tật chưa phải là tàn phế hoàn toàn nên hơn 40 năm trước, vùng quê Xuân Tự 2 còn nghèo khó, cuộc sống mưu sinh vất vả, một số gia đình có ý nhờ cô Phúc dạy học cho các em để biết chữ. Với tình thương yêu dành cho trẻ, cô Phúc không đắn đo suy nghĩ mà nhận lời ngay. Từ ấy đến nay tròn hơn 40 năm với biết bao thay đổi, nhưng lớp học của Cô Phúc vẫn đều đặn diễn ra mỗi buổi chiều tối. Hàng đêm cô phải luôn suy nghĩ, làm sao để giúp đỡ được nhiều em nghèo ở nơi đây tiếp cận được con chữ càng tốt, để rồi mai này các em có thể giúp ích cho bản thân cho xã hội đó mới là điều cô đau đáu. Nhìn cô Phúc giảng bài, nhìn các em chăm chú lắng nghe. Có thể khẳng định lớp học do cô Phúc dạy miễn phí là lớp học “2 trong 1”. Bởi cô vừa là cô giáo dạy học vừa giống như người mẹ hiền thương yêu, uốn nắn từng con chữ, sửa từng lỗi chính tả cho các em. Em Võ Ngọc Phương Anh, học sinh trường tiểu học Vạn Hưng 1 nói.“Cô Phúc dạy con từ hồi mẫu giáo tới lớp 2, cô dạy con môn tiếng việt và toán. Lên trường con có tiến bộ hơn và được cô giáo khen. Nhờ vậy mà cuối năm nay con được lãnh thưởng.” Còn em Nguyễn Vân Phong, học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt, ngày trước chưa đi học, em theo học lớp cô Phúc dạy mẫu giáo, nay em đã là học sinh cấp 2. Em Phong mong muốn cô Phúc luôn có nhiều sức khỏe để tiếp tục dạy chữ cho nhiều em nhỏ khác ở trong xóm. “Trong quá trình học em luôn tiến bộ và được tuyên dương trước lớp. Nhờ cô Phúc dìu dắt chỉ bảo những ngày đầu ê a bảng chữ cái, giờ em học cấp 2 rồi, em rất mến cô Phúc mong cô có nhiều sức khỏe để còn có thể dạy học cho nhiều em khác trong làng. Em Nguyễn Vân Phong chia sẻ. Theo tâm sự của cô Phúc, việc dạy học diễn ra từ khoảng mấy chục năm trước bằng chính kiến thức tự học của mình, và thấu hiểu những khó khăn vất vả của bà con làng chài ven biển ở thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng. Tôi đã dạy rất nhiều các em biết chữ, biết đọc biết viết thành thạo. Hỏi cô đã dạy cho bao nhiêu thế hệ học trò nghèo trong ngần ấy năm, cô Phúc cười hiền bảo nay đã bước sang cái tuổi 63, do vậy tôi cũng không thể nhớ hết việc đã dạy cho bao nhiêu lượt học sinh. Nhưng theo cô Phúc, từng ấy thời gian đối với cô là việc làm tuy âm thầm, nhỏ bé nhưng mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân mình.“Phải nói là tôi vô cùng mừng rỡ, khi thấy các em sau khi đã học hành với mình áp dụng những điều được học vào trong cuộc sống. Với những em lớp nhỏ như mẫu giáo, lớp 1, lớp 2 khi các em có được giấy khen trên trường, hay đạt giải nhất về vở sạch chữ đẹp cấp huyện đều về khoe với tôi. Tôi vui mừng vô cùng, có nghĩa là hạt giống tôi gieo ngày nào hôm nay đã trổ bông kết trái.” Cô Trương Thị Phúc tự hào chia sẻ.
Ông Võ Cao, Trưởng thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng cho biết cô Phúc với đôi chân tật nguyền nhưng cô đã suy nghĩ sẽ làm việc gì đó giúp ích cho cộng đồng, cho nơi mình sinh sống nên từ hơn 40 năm qua cô đã lấy việc dạy học cho các em nghèo ở đây là niềm vui. Bản thân cô Phúc đã vượt qua rất nhiều khó khăn để cố gắng truyền đạt kiến thức cho các em. Cô xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người cùng nhau học tập, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp.
Rời nơi cô Phúc dạy học, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng ê..a đọc bài của các em học sinh. Thầm ước cho cô có nhiều sức khỏe để mãi là người đưa đò dìu dắt các em đến với thành công mai sau. Còn đối với học trò: nét chữ nghệch ngoặc đầu tiên, sau nữa là những ước mơ, hoài bão giống như một đóa hoa cần được nuôi dưỡng để mai này vươn cánh bung nở thì không thể không cần người như “cô giáo làng” Trương Thị Phúc !
HOÀI DUY