Theo bà Trương Thị Mỹ Ý - Phó Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng HĐND và
UBND huyện Vạn Ninh, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy và HĐND huyện
về tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, năm 2014, huyện đã chọn
phần mềm truyền hình trực tuyến do Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí
Minh sản xuất (sản phẩm đạt giải Ba cuộc thi Nhân tài đất Việt năm
2014) để triển khai trong công tác giao ban. Sau một thời gian thử
nghiệm vận hành hệ thống đạt kết quả tốt. Mới đây, trong cuộc họp giao
ban quý I-2015 của UBND tỉnh, huyện cũng đã đưa vào vận hành hệ thống
và kết nối cuộc họp này đến các xã, thị trấn; kết quả cho thấy hệ
thống hoạt động tốt.
Kỹ sư Phạm Mỹ Mãn (Trường Đại
học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) - tác giả của phần mềm: Phần mềm được
phát triển trên cơ sở ứng dụng mô hình phẫu thuật online của Bệnh viện
115, chỉ đạo mổ từ xa. Về lý thuyết, phần mềm có thể phục vụ cho nhiều
hoạt động như: tiếp xúc cử tri online, ứng dụng Voi IP gọi điện trực
tiếp miễn phí, giá thành lắp đặt chỉ bằng 1/10 sản phẩm nước ngoài cùng
loại. Vạn Ninh là đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước đưa hệ thống
giao ban trực tuyến vào công tác chỉ đạo, điều hành. |
Ông Trương Thái Hùng - Chủ tịch UBND xã
Vạn Thạnh nhận xét, việc huyện đưa vào vận hành hệ thống giao ban trực
tuyến đem lại kết quả nhiều mặt, đặc biệt có ý nghĩa đối với các địa
phương vùng sâu, vùng xa của huyện như xã đảo Vạn Thạnh. Việc triển khai
này không những mang lại lợi ích kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị -
xã hội rất lớn trong việc điều hành, chỉ đạo, tiếp nhận chỉ thị của cấp
trên một cách nhanh chóng, trực quan, sinh động… Được biết, giá thành
lắp đặt hệ thống này cho huyện Vạn Ninh là 1,2 tỷ đồng, thời gian bảo
hành 3 năm, trong khi những hệ thống tương tự có giá thành lên tới 4 - 5
tỷ đồng. Hệ thống giao ban trực tuyến gồm thiết bị điều khiển trung
tâm MCU đặt tại điểm cầu trung tâm với máy tính cấu hình mạnh, màn hình
TV 60 inch và các thiết bị âm thanh, micro đi kèm. Tại 14 điểm cầu ở
các xã, thị trấn cũng được lắp đặt máy tính mã hóa, giải mã, màn hình
hiển thị 46 inch và đầy đủ các thiết bị âm thanh, loa, micro… Hệ thống
cũng có tính chia sẻ rất cao, ở đâu có mạng Internet là ở đó có thể kết
nối với máy tính, điện thoại… để tham gia hội nghị trực tuyến.
Ông Lê Hữu Trí - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, huyện đã phối
hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, đánh giá cao phần mềm
này. Thời gian tới, huyện sẽ triển khai xây dựng quy chế hoạt động của
hệ thống truyền hình trực tuyến, không chỉ sử dụng cho các hoạt động chỉ
đạo, điều hành của chính quyền mà dùng cho cả các ban đảng, đoàn thể,
Mặt trận; tập huấn, hội thảo của các ban, ngành. Bên cạnh đó, huyện đã
chỉ đạo các đơn vị của ngành Giáo dục, Y tế đưa công nghệ truyền hình
trực tuyến ứng dụng sâu sắc vào việc cải cách hành chính cũng như các
hoạt động của ngành.
Do đặc thù địa hình phức tạp: núi, đồng bằng, biển, đảo, nhiều xã xa
trung tâm như: Vạn Thạnh cách 40km, Đại Lãnh 22km, Vạn Hưng 12 -
13km... nên việc đi lại xa, bất tiện, làm tăng chi phí, đặc biệt là
trong mùa mưa bão. Do đó, hệ thống giao ban trực tuyến này có ý nghĩa
rất quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa