UBND tỉnh vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương để đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định, không để xảy ra các sự cố chảy tràn, rò rỉ nước thải kể cả trường hợp có mưa to, lũ lớn; không để hình thành các tụ điểm, cơ sở thu mua phế liệu (các loại chất thải rắn, vật liệu dễ cháy, nổ…) không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật môi trường, không đúng quy hoạch, nhất là tại khu đô thị, khu dân cư tập trung. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn theo thẩm quyền và báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp vượt thẩm quyền; kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để địa phương mình xảy ra tình trạng vứt rác, đổ chất thải không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh…
Được biết, về công tác quản lý xử lý chất thải nguy hại, năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã cấp sổ chủ nguồn thải cho 23/32 cơ sở; tiếp nhận và giải quyết cho 230 chủ nguồn thải năm 2016 và 94 chủ nguồn thải năm 2017; hướng dẫn các cơ sở đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại qua mạng Internet mức độ 3. Ngoài ra, Sở đã hướng dẫn 6 cơ sở về thực hiện công tác bảo vệ môi trường; tiếp nhận báo cáo kiểm soát ô nhiễm của 170 cơ sở; thẩm định và ra thông báo thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của 144 cơ sở với tổng số tiền 651,6 triệu đồng; thu tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của 20 dự án với số tiền 1,6 tỷ đồng.
HOÀI DUY