Thời gian qua, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã xây dựng các mô hình trình diễn giống lúa mới để chọn ra những giống lúa thích hợp với điều kiện của địa phương, thay thế những giống lúa cũ đã bị thoái hóa nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất của người nông dân.
Gần đây các giống lúa của địa phương như Malam202, Malam48 cho thấy mang lại hiệu quả ngày càng giảm do thoái hóa giống làm khả năng kháng sâu bệnh yếu, dễ bị đổ ngã làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt gạo làm ra cũng như làm tăng chi phí sản xuất. Trước yêu cầu cần tìm ra những loại giống mới chất lượng cao để đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao hơn cho người nông dân, UBND huyện đã giao Phòng Kinh tế huyện xây dựng đề tài khoa học cấp cơ sở “Ứng dựng một số giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao” do kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Lệ Quyên, chuyên viên Trạm Khuyến nông của huyện làm chủ nhiệm đề tài. Theo đó, đề tài đã xây dựng 3 mô hình thí điểm tại các xã Vạn Khánh, Vạn Phước và Vạn Phú, mỗi mô hình có diện tích 2,5ha, đưa vào gieo sạ 5 loại giống gồm 4 loại giống mới: BDR27, AN1, ANS1, DT45 và giống đối chứng Malam202. Sau quá trình chăm sóc, phối hợp của cán bộ thực hiện đề tài và các chủ mô hình đã cho thấy những kết quả bước đầu khả quan; điều đầu tiên có thể nói đến là năng suất các giống lúa mới cao hơn giống Malam202 khoảng hơn 5 tạ/ha; tiếp đó là khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn vì vậy chi phí dành cho phân, thuốc trừ sâu ít hơn; thân cây cứng, hạn chế ngã đổ vì vậy chi phí dành cho thu hoạch cũng giảm; một điều quan trọng nữa là các giống trên có thể xuống giống cả vào vụ hè thu và đông xuân do có khả năng chịu hạn, chịu lạnh và sinh trưởng tốt tại những chân ruộng gò cao nên bắt đầu được người nông dân đón nhận đưa vào sản xuất nhiều hơn từ vài chục hecta ban đầu đến nay toàn huyện có khoảng 150ha lúa hè thu gieo sạ giống lúa mới. Bà Duyên cho biết thêm: “Sau khi hoàn thành xây dựng các mô hình ngành nông nghiệp huyện Vạn Ninh đã có được đánh giá chính xác về hiệu quả của từng giống lúa mang lại, tiếp đó Phòng Kinh tế huyện sẽ chọn 2 giống lúa mới đạt hiệu quả cao nhất để nông dân các địa phương đưa vào sản xuất những vụ tiếp theo”.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Phạm Hoàng Danh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vạn Phú 1, xã Vạn Phú cho biết, cách đây gần 2 năm, HTX đã đưa vào xây dựng mô hình thử nghiệm giống lúa ANS1 với diện tích khoảng 6ha và kết quả mang lại hiệu quả khi năng suất đạt cao hơn từ 15% đến 20% so với giống cũ, chi phí sản xuất từ phân bón, thuốc trừ sâu, công thu hoạch giảm hơn trước. Qua mỗi vụ sản xuất, diện tích gieo sạ giống lúa mới càng tăng, riêng trong vụ hè thu năm nay xã viên của HTX đã thực hiện xuống giống 100ha. Đối với bản thân ông Danh, ông đã mạnh dạn xây dựng mô hình đối chứng giữa các giống mới như: BDR27, AN1, ANS1, DT45 với giống lúa ngắn ngày Malam202 đang được nông dân trong huyện sử dụng phổ biến trong suốt hàng chục năm qua với diện tích 2,5ha; kết quả mang lại cho thấy các giống lúa mới đều cho thấy ưu thế vượt trội so với Malam202, không chỉ cho năng suất cao hơn khoảng 5 tạ/ha, các giống lúa mới cho khả năng kháng bệnh cao, chi phí sản xuất thấp trong khi thời gian sinh trưởng gần như bằng nhau, thân cây cứng, khả năng chịu hạn, chịu lạnh tốt có thể sản xuất các vụ đông xuân và hè thu, sau khi trừ chi phí cho lãi ròng cao hơn từ 20% đến 30% so với giống Malam202…, trong đó ông ưa thích giống ANS1 và hiện đang sản xuất với diện tích hơn 20ha ruộng của gia đình do đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Ông Danh cho biết thêm: “Không chỉ ông mà các hộ xã viên khác cũng đã đón nhận và gieo sạ giống lúa mới và ngày càng mở rộng, đặc biệt là giống ANS1, trong vụ tới sẽ có khoảng 90% diện tích của HTX với hơn 220ha gieo sạ giống lúa này”.
Ông Nguyễn Đình Cẩm, Trưởng trạm Trồng trọt – Bảo vệ thực vật huyện Vạn Ninh đánh giá: “Qua tham quan và kết quả đạt được từ các mô hình cho thấy các giống mới đưa vào sản xuất có chất lượng khá tốt, có nhiều triển vọng trong thời gian tới sẽ thay thế các giống cũ, một điều đang ghi nhận là thị trường đã bắt đầu đón nhận với giá bán khá cao, khoảng gần 6.000 đồng/kg”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Đối với các Hợp tác xã, các địa phương có nhu cầu sử dụng các giống lúa mới có thể đăng ký với Phòng để mua giống tại đơn vị sản xuất đảm bảo chất lượng đồng thời bà con cũng có thể mua giống tại các cơ sở nhân giống ở địa phương. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, bà con nên sử dụng giống nguyên chủng hoặc giống xác nhận”.
Với thành công ban đầu sẽ giúp người nông dân có thêm sự lựa chọn về giống chất lượng cao để sản xuất qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người nông dân.
Th: Thanh Hải.