Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn về kinh phí, tuy nhiên huyện Vạn Ninh vẫn ưu tiên, tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho giáo dục, phục vụ tốt hơn công tác dạy và học của các trường.
Những năm qua, cơ sở hạ tầng giáo dục trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học của các trường. Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều trường học trên địa bàn đã bị xuống cấp cần phải khắc phục, sửa chữa. Trước thực trạng đó, huyện Vạn Ninh huy động bằng nhiều nguồn lực khác nhau đầu tư xây dựng, sửa chữa sớm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học.
Trường Tiểu học Vạn Giã 1 được xây dựng từ năm 1969, đến nay đã 50 năm sử dụng, nhiều hạng mục công trình xuống cấp trầm trọng. Ông Lữ Ngọc Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Giã 1 cho biết, hiện trường có 5/8 dãy phòng học, phòng giáo viên bị xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ gây nguy hiểm cho học sinh. Trước tình hình đó, trường đã phải mượn tạm cơ sở 2 của Trường THCS Văn Lang cho 12 lớp khối 1 và khối lớp 2 học tập. Trong nhiều năm kiến nghị nhưng do kinh phí hạn hẹp nên mới chỉ làm được một dãy nhà mới kiên cố. Đến năm nay, do các phòng không thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, UBND huyện đã quyết định xây mới 20 phòng học với tổng kinh phí dự toán khoảng 11 tỷ đồng. Ông Lữ Ngọc Minh cho biết thêm: “Theo đề án giáo dục phổ thông đến năm 2025, trường phải có tối thiểu 50 phòng học, nhưng hiện mới chỉ có 10 phòng được kiên cố, cộng với 20 phòng xây mới trong năm nay. Như vậy, trường vẫn còn thiếu 20 phòng học và phòng chức năng mới đáp ứng được yêu cầu… Mới đây, đơn vị tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền để xem xét cân đối đầu tư thêm”.
Hàng năm căn cứ vào quá trình rà soát và đề xuất của ngành giáo dục, huyện sẽ tập trung phân bổ kinh phí để xây dựng, sửa chữa những hạng mục cấp thiết nhất. Năm nay, huyện đầu tư xây dựng, sửa chữa 14 hạng mục công trình thuộc cơ sở hạ tầng giáo dục với tổng mức đầu tư gần 49 tỷ đồng. Trong đó, địa phương ưu tiên cho các công trình xây mới, cải tạo phòng học ở cấp mầm non và tiểu học.
Do kinh phí eo hẹp nên huyện huy động nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau dành cho giáo dục. Cụ thể, bằng ngồn vốn phát triển nguồn nhân lực, huyện Vạn Ninh cũng đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình: Trường mẫu giáo Vạn Khánh sẽ được xây mới khu hiệu bộ, bếp ăn một chiều, phòng y tế, nhà bảo vệ, phòng nhân viên, nhà xe, nhà vệ sinh giáo viên và xây dựng mới 2 phòng học, với tổng mức đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng. Cạnh đó, Trường Tiểu học Vạn Phước 1 sẽ được xây dựng mới 3 phòng học, khu hiệu bộ, phòng thư viện, phòng y tế, nhà để xe học sinh với tổng kinh phí 3,8 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương chủ động nguồn vốn xây dựng cơ bản phân bổ cho chương trình Nông thôn mới để đầu tư cho giáo dục. Năm 2019, từ nguồn vốn này, huyện dành hơn 28 tỷ để đầu tư xây dựng, sửa chữa 10 công trình giáo dục.
Ngoài ra, địa phương cũng tập trung hoàn thiện tiêu chí giáo dục cho các xã chuẩn bị về đích trong chương trình Nông thôn mới. Theo lộ trình, năm 2019 xã Vạn Thọ sẽ đạt chuẩn Nông thôn mới. Vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vạn Ninh đã tham mưu cho UBND huyện ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giáo dục cho địa phương. Theo đó, Trường Tiểu học Vạn Thọ 2 (điểm Tuần Lễ) sẽ được xây mới phòng thư viện, phòng y tế và phòng dành cho giáo viên; Trường Tiểu học Vạn Thọ 1 được trang bị thêm thiết bị phục vụ dạy và học; Trường Tiểu học Vạn Thọ 2 mua sắm thêm bàn ghế học sinh và giáo viên. Tổng mức đầu tư các hạng mục xây dựng dành cho giáo dục tại xã Vạn Thọ là 4,6 tỷ đồng. Đối với trường Mẫu giáo Vạn Thọ, huyện đầu tư trong 2 năm 2018 và 2019, năm 2018 đã bố trí được gần 1 tỷ và số còn lại là hơn 1,1 tỷ đồng được phân bổ trong năm nay để xây mới khu hiệu bộ, bếp ăn, phòng y tế, nhà bảo vệ… Đến thời điểm này, các hạng mục không phải qua đấu thầu đã cơ bản hoàn thiện, còn lại gói xây dựng tại Trường Tiểu học Vạn Thọ 2 đang được tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị thi công.
Ông Nguyễn Từng - Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vạn Ninh cho biết: “Với sự nỗ lực và ưu tiên hết sức của tỉnh cũng như huyện, cơ sở hạ tầng ngành giáo dục của địa phương hiện nay mới chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học tại các trường. Hiện còn rất nhiều trường bị xuống cấp, đặc biệt là thiếu các phòng chức năng như tiếng Anh, tin học theo chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên do kinh phí đầu tư lớn, trong khi điều kiện kinh tế của địa phương còn hạn chế nên việc đầu tư các phòng chức năng đúng chuẩn quy định cũng theo lộ trình, từng bước một; ưu tiên trước mắt là đầu tư các phòng học cho các em học sinh, không để phòng xập xệ, xuống cấp”.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng với việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đã giúp huyện Vạn Ninh từng bước kiên cố hóa hạ tầng cơ sở vật chất giáo dục của huyện trong những năm gần đây qua đó đưa chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện tiếp tục có bước phát triển.
Th: Thanh Hải.