Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu đã trở thành phong trào thường xuyên; giúp bà con nông dân trên địa bàn xã Vạn Lương từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Trong rất nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, hiện nay nổi lên có tổ hợp tác trồng nấm rơm của Hội Nông dân xã Vạn Lương là mô hình mới tiêu biểu nhiều triển vọng.
Xã Vạn Lương được biết đến như một xã truyền thống trồng cây lúa nước trên địa bàn huyện Vạn Ninh. Đây là địa phương có trên 80% người dân sống bằng nghề nông nghiệp, trong đó có nghề trồng nấm rơm. Trước kia nghề trồng nấm rơm nhộn nhịp bởi nguồn rơm sau thu hoạch lúa dồi dào nên các hộ tập trung sản xuất. Tuy nhiên cách thức trồng nấm rơm truyền thống ngoài đồng ruộng cho hiệu quả thấp, do phụ thuộc thời tiết, sâu bệnh nên những năm qua nghề trồng nấm rơm bị lãng quên. Trước tình hình đó, được sự đồng ý của Đảng ủy, UBND xã Vạn Lương về cơ cấu chuyển đổi cây trồng, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập. Cuối tháng 12/2018 Ban chấp hành Hội nông dân xã Vạn Lương đã quyết định thành lập tổ trồng nấm rơm, với 8 thành viên. Khi bắt đầu làm, tổ thuê 500 mét vuông đất nhà nước để dựng trại, đồng thời các thành viên trong tổ tự góp vốn được 200 triệu đồng xây dựng nhà trồng nấm; mua nguyên liệu rơm và meo giống để sản xuất. Mô hình trồng nấm rơm của tổ chủ yếu trồng trong nhà kín, vừa chủ động được nhiệt độ, thời gian sản xuất - vừa phòng tránh mưa nắng. Do vậy qua hơn 2 tháng thành lập đến nay, Tổ trồng nấm rơm của Hội Nông dân xã Vạn Lương bước đầu sản xuất được nấm thương phẩm sạch, không hóa chất, không thuốc trừ sâu; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các hộ tiêu dùng và các chợ lân cận. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho tổ viên trong tổ. Ông Ngô Xuân Đức, chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Lương cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, phụ trách kỹ thuật trồng nấm của tổ chia sẻ qui trình sản xuất: mô hình trồng bắt đầu từ khâu xử lý rơm ngâm nước, tiếp theo ủ rơm từ 7 – 12 ngày, sau đó chất đều rơm lên giàn, tạo meo giống, rắc cám dinh dưỡng và tiếp tục phủ một lớp rơm mỏng lên trên chất dinh dưỡng để giữ ẩm. Trong khoảng từ 3 - 4 tuần nấm bắt đầu cho thu hoạch, sau thu hoạch, Tổ bỏ mối quen cho các hộ tiêu dùng xung quanh và tiểu thương các chợ lân cận trong xã”. Theo thiết kế, tổng trại nấm có 6 giàn trồng nấm, mỗi giàn chia làm 3 tầng, 1 tầng tạo 20 meo giống, cho thu hoạch 1 tầng từ 10 ký đến 20 ký. Giá nấm bán ra thị trường chia làm 3 loại. Loại 1 là 100 nghìn đồng/ 1kg; loại 2 giá bán 80 nghìn đồng/1 kg; loại 3 khoảng 60 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí sản xuất, nhân công sau thu hoạch, lợi nhuận mang lại khá cao.
Ông Hồ Văn Ân, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Lương đánh giá: nghề trồng nấm rơm hiện nay cho hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa. Tuy nhiên mô hình trồng nấm mới thành lập còn mới mẻ nên nguồn vốn hỗ trợ chưa kịp thời. Sắp đến nếu Tổ trồng nấm có triển vọng, Cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện về quỹ đất để Tổ mở rộng sản xuất. Ông Hồ Văn Ân, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Lương cho biết: “Hội nông dân xã đã làm tờ trình UBND xã và cũng đã tham mưu cho Đảng ủy để định hướng phát triển mở rộng diện tích nếu tổ trồng nấm có triển vọng trong tương lai.”
Việc thành lập tổ trồng nấm rơm, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân là hướng đi có nhiều triển vọng. Hi vọng trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Vạn Lương sẽ đảm bảo khâu sản xuất, chú trọng phòng sâu bệnh, tìm nguồn tiêu thụ để nghề nấm từng bước phát triển ổn định, tạo công việc làm cho lao động địa phương lúc nhàn rỗi./.
HOÀI DUY