Toàn huyện hiện có 15 tổ hợp tác với 165
thành viên, hoạt động ở một số ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt như: cây
ăn quả, tỏi, đậu phụng, lúa giống, bò, gà, tôm hùm... Đây đều là những
tổ hợp tác vừa mới thành lập, hoặc chuyển đổi từ tổ sản xuất liên kết
sang nên quy mô nhỏ lẻ, manh mún, doanh thu thấp. Ngoài ra, huyện còn có
22 trang trại đang hoạt động, trong đó có 9 trang trại trồng trọt, 8
trang trại chăn nuôi, 4 trang trại tổng hợp và 1 trang trại lâm nghiệp.
Doanh thu của các trang trại này khoảng 200 triệu đồng/năm, lợi nhuận
bình quân 50 triệu đồng/năm, trong đó cao nhất là các trang trại chăn
nuôi. Vấn đề bức thiết nhất của các trang trại nơi đây là đầu ra chưa ổn
định, bởi trong số 22 trang trại, chỉ có 2 trang trại chăn nuôi heo ở
Vạn Bình và Xuân Sơn có được hợp đồng cung ứng sản phẩm với các doanh
nghiệp thu mua.
Người dân chưa mặn mà tham gia hợp tác xã
Các HTX, tổ hợp tác và trang trại ở Vạn Ninh đang thu hút khoảng 6.400
thành viên, một con số còn khiêm tốn so với một địa phương có dân số
khoảng 130.000 người, có cơ cấu ngành nghề chủ yếu là nông, ngư nghiệp.
Theo Phòng Kinh tế Vạn Ninh, nhiều người dân đã quen với nếp sản xuất
nhỏ lẻ nên không mặn mà với việc tham gia HTX. Mặt khác, nhiều HTX, tổ
hợp tác chưa tạo ra được khác biệt đáng kể giữa việc tham gia hay không
tham gia HTX, tổ hợp tác. Khi chưa thu hút được nhiều thành viên đồng
nghĩa với việc diện tích đất sản xuất của các HTX, tổ hợp tác trở nên
nhỏ lẻ, phân bố rải rác, rất khó trong việc triển khai các dịch vụ.
Chẳng hạn như dịch vụ làm đất, một chiếc máy cày làm việc trên một cánh
đồng lớn, đồng nhất thì sẽ tiết kiệm được chi phí hơn so với làm nhỏ lẻ,
rải rác. Tương tự, khâu đưa nước tưới tiêu, thu hoạch thành phẩm đều
trở nên dễ dàng hơn khi làm trên cánh đồng mẫu lớn. Ngược lại, ở những
cánh đồng nhỏ lẻ, chi phí thành phẩm sẽ bị đội lên, các HTX, tổ liên kết
sẽ bị giảm lợi nhuận, từ đó không thu hút được thành viên.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho rằng:
“Trình độ và năng lực của cán bộ quản lý HTX còn thiếu và hạn chế, đa số
chưa qua đào tạo chuyên ngành nông nghiệp nên không phát huy được tiềm
năng, thế mạnh của mô hình HTX, tổ liên kết. Bên cạnh đó, các HTX, tổ
liên kết chưa mạnh trong việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm, xây dựng phương
án tổ chức dịch vụ, không thu hút được lao động có trình độ vào làm
việc. Từ những khó khăn đó, thời gian qua, số lượng thành viên giảm
nhiều, chưa khuyến khích được người dân tham gia HTX”.
Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, nhằm tạo điều kiện cho các mô hình
kinh tế tập thể trên địa bàn phát triển bền vững, những năm qua, huyện
đã ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án và nghị quyết chuyên đề về
hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế HTX như: hỗ trợ cơ giới hóa một
phần trong khâu sản xuất nông nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất
kinh doanh có hiệu quả; Chương trình xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ
phát triển giống lúa chất lượng cao, chăn nuôi gia súc... Huyện xác định
nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến là tiếp tục nâng cao năng lực
quản lý của đội ngũ lãnh đạo HTX, tổ liên kết; mạnh dạn chuyển đổi, sáp
nhập, thậm chí là giải thể những mô hình hoạt động cầm chừng, yếu kém
kéo dài; tập trung các giải pháp tăng thu nhập cho các HTX, tổ liên kết
để từ đó tạo nên sức hút mới đối với thành viên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh
việc dồn điền đổi thửa để tạo nên những cánh đồng lớn, làm cơ sở cho
hoạt động sản xuất tập trung; từng bước nâng tầm cả về quy mô lẫn hình
thức tổ chức sản xuất, kinh doanh của các HTX, tổ liên kết, giúp cho các
mô hình dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng
trên địa bàn, qua đó mở rộng sản xuất, phát triển.
Nguồn: Báo Điện tử Khánh Hòa