Hỏi đáp ? về Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ( tiếp theo )Phần 4.
Phần 4: Việc ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân
Câu 92: Thế nào là người được giới thiệu ứng cử và thế nào là người tự ứng cử?
Trả lời:
Người được giới thiệu ứng cử là người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan nhà nước ở trung ương hoặc địa phương giới thiệu để được xem xét đưa vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Người tự ứng cử là người có đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội, hay đủ điều kiện ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương và xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, có nguyện vọng ứng cử thì nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh); tại Ủy ban bầu cử cấp huyện (nếu tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện); tại Ủy ban bầu cử ở cấp xã (nếu tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã).
Câu 93: Những người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân?
Trả lời:
Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gồm có:
- Người chưa đủ 21 tuổi.
- Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
- Người đang bị khởi tố bị can.
- Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
- Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Câu 94: Một người có thể đồng thời ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được không?
Trả lời:
Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp. Như vậy, một người đủ điều kiện ứng cử có thể đồng thời nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân một cấp nữa.
Câu 95: Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm những gì?
Trả lời:
Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm có:
- Đơn ứng cử;
- Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;
- Tiểu sử tóm tắt;
- Ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm;
- Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Mẫu các văn bản, giấy tờ nói trên được thực hiện theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Câu 96: Thời hạn nộp hồ sơ ứng cử là khi nào?
Trả lời:
Chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử, người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (cả với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải nộp hồ sơ ứng cử.
Câu 97: Việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
1. Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội:
Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (mỗi người nộp 2 bộ hồ sơ).
Ủy ban bầu cử ở tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội.
Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người ứng cử, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử quốc gia chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban bầu cử ở tỉnh chuyển hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương.
2. Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân:
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nộp một bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử. Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.
Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì Ủy ban bầu cử chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương.
Câu 98: Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử?
Trả lời:
1. Về thẩm quyền lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội:
- Chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia biên bản hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
- Chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương.
2. Về thẩm quyền lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân:
Chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phải gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp; Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phải gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Câu 99: Thời hạn gửi, lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử được quy định như thế nào?
Trả lời:
1. Thời hạn gửi, lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội:
- Căn cứ vào danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội được Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu, Hội đồng bầu cử quốc gia gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh danh sách và hồ sơ những người được giới thiệu về ứng cử tại địa phương.
- Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách do Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử ở tỉnh gửi đến chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử.
2. Thời hạn gửi, lập và công bố danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân:
Chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban bầu cử phải lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử.
Câu 100: Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm những thông tin gì?
Trả lời:
Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, chức vụ, nơi công tác của người ứng cử. Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử được xếp theo vần chữ cái A, B, C...
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ được ghi tên vào danh sách ứng cử ở một đơn vị bầu cử.
Câu 101: Số người ứng cử ở đơn vị bầu cử được quy định như thế nào?
Trả lời:
Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở đơn vị bầu cử đó ít nhất là hai người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì do Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.
Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là hai người; nếu đơn vị bầu cử được bầu từ bốn đại biểu trở lên thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là ba người. Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn đối với trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng.
Câu 102: Khi lập danh sách những người ứng cử, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào có trách nhiệm xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử?
Trả lời:
Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử được phân loại thành ba nhóm theo sự việc và theo đối tượng. Cụ thể như sau:
1. Đối với vụ việc ở nơi công tác:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người ứng cử có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tùy theo người ứng cử đại biểu Quốc hội hay ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Trường hợp người ứng cử là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xác minh và trả lời. Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị không có cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập cơ quan, tổ chức, đơn vị đó có trách nhiệm xác minh và trả lời.
2. Đối với vụ việc ở khu dân cư:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã.
3. Đối với người tự ứng cử:
Ủy ban bầu cử phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người tự ứng cử hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện, xã mà người tự ứng cử đã nộp hồ sơ ứng cử.
Câu 103: Các khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị được thực hiện như sau:
- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng;
- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp nào thì được gửi tới Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng;
- Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhận được theo thẩm quyền.
Câu 104: Thời hạn tạm ngừng việc xem xét khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đối với người ứng cử được quy định như thế nào?
Trả lời:
Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.
Câu 105: Vận động bầu cử là gì và phải bảo đảm những yêu cầu gì?
Trả lời:
Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.
- Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
Câu 106: Các hình thức vận động bầu cử của người ứng cử?
Trả lời:
Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức sau đây:
- Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử;
- Thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Câu 107: Hội nghị tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử do ai tổ chức và có những nội dung gì?
Trả lời:
Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.
Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.
Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.
Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri gồm các nội dung sau đây:
- Tuyên bố lý do;
- Đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử;
- Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;
- Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm;
- Người chủ trì hội nghị phát biểu ý kiến kết thúc hội nghị.
Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương mình gửi đến Ủy ban bầu cử cùng cấp và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.
Câu 108: Việc vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng được quy định như thế nào?
Trả lời:
Người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có).
Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Câu 109: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với việc vận động bầu cử được quy định như thế nào?
Trả lời:
Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo về vận động bầu cử ở địa phương.
Các cơ quan báo chí ở trung ương có trách nhiệm đưa tin về quá trình tổ chức công tác bầu cử, tình hình vận động bầu cử trong phạm vi cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương có trách nhiệm đưa tin về hội nghị tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn của những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và việc vận động bầu cử ở địa phương.
Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.
Câu 110: Trong vận động bầu cử, pháp luật cấm những hành vi nào?
Trả lời:
Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử gồm:
- Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
- Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.
- Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri
(còn tiếp)
(Theo sách "Hỏi - Đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021" do Hội đồng bầu cử quốc gia biên soạn để phục vụ cuộc bầu cử / Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật năm 2016).
Thực hiện: HQL