Sáng ngày 7/11,UBND huyện tổ chức hội nghị phổ biến Luật tiếp cận thông tin và Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước đến lãnh đạo, công chức phụ trách bồi thường của nhà nước ở các phòng, ban chuyên môn huyện; ủy ban mặt trận huyện; tổ chức chính trị xã hội lãnh đạo UBND, cán bộ chức hộ tịch, văn hóa xã hội các xã – Thị trấn, Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo viên truyền đạt các nội dung chính của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017; Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, ngày 20/6/2017 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018. Luật gồm 9 Chương, 78 Điều với các nội dung cơ bản như: Quy định chung; phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; thiệt hại được bồi thường; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước và các điều khoản thi hành… Luật được xây dựng trên tinh thần kế thừa các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và phù hợp với Hiến pháp 2013.
Đối với Luật Tiếp cận thông tin, được Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 6/4/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018.Luật gồm 5 Chương, 37 Điều với các nội dung quy định công khai thông tin; cung cấp thông tin theo yêu cầu; trách nhiệm đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; các điều khoản thi hành. Đây là đạo luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Qua lớp tập huấn, giúp các đại biểu nắm được những nội dung cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước để góp phần phổ biến nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, ý thức của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, hỗ trợ và tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách về tiếp cận thông tin, bồi thường của nhà nước, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.
PHƯƠNG THỦY