Nhà thơ Trần Vạn Giã sinh năm 1945 tại huyện Vạn Ninh. Nơi ông sinh ra có rừng Tuần Lễ, có biển, có những người dân quê tảo tần sớm hôm. Cả cuộc đời ông đến nay đã sắp tuổi 80 nhưng ông vẫn mang ngọn lửa tình yêu trong lòng và làm thơ. Với những người khác, thơ đôi khi phải suy nghĩ, gieo vần, tìm chữ, thì trời phú cho Trần Vạn Giã những ngôn từ có sẵn. Trong đó, thế mạnh của ông là lục bát. Tôi quen ông từ những năm 1970, khi ấy tôi còn là một cậu học trò thì ông đã được biết đến bởi những bài thơ của mình. Thơ của ông gắn liền với những người quanh ông, những bài thơ không dài lắm nhưng dễ làm nao lòng người.
Đều đặn mỗi năm, ông xuất bản một tập thơ, và bạn bè luôn trân quý những tập thơ của ông, không phải đem về để trong tủ sách, bởi vì thơ ông hay. Tập thơ “Hình như chỉ còn trong cổ tích” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 6-2023 là tập thơ thứ 17 của Trần Vạn Giã với 150 trang, gồm 2 phần khác nhau: Tấu khúc viết ở làng Tràm và Khép lại với gần 80 bài thơ viết theo 2 thể loại lục bát và tự do. Tấu khúc viết ở làng Tràm - đó là một làng quê ở Tu Bông, Vạn Giã nơi ông sinh ra, in dấu ấn của tuổi thơ: “Vân Tiên ghé lại bên đàng/Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô/Kêu rằng bớ đảng hung đồ/Đừng quen làm thói hồ đồ hại dân” (Dưới ngọn đèn dầu ở làng Tràm mẹ nghe con đọc thơ Lục Vân Tiên). Ở đó, có hình ảnh người mẹ gánh dừa đi bán chợ khuya: “Chân trần chai gót bàn chân/Khói lam bay tỏa ngoài sân chiều chiều/Khói bay trong gió hiu hiu/Bay trong chai sạn những điều trần gian”. Ông dùng chữ rất đắt, như câu: “Bay trong chai sạn những điều trần gian”.
Thơ Trần Vạn Giã thấm vào người đọc, bởi ông làm thơ từ trong cảm xúc của mình, không đưa vào thơ những mỹ từ hay đánh đố. Trong bài thơ Đi và về ông viết: “Tôi về chợt khổ cơn mưa/Sao ngàn năm cũ nước chưa cạn nguồn/Thương tôi như cánh chuồn chuồn/Vui vui nó ở buồn buồn nó bay/Hỏi mai trên trái đất này/Biết tôi còn chốn lưu đày nào không?” Đến thể thơ tự do, như bài thơ Khói, ông viết: “Khói sẽ bay/Điếu thuốc ngún và sáng lên thoi thóp/Trong bóng hoàng hôn/Của thiên niên kỷ thứ ba/Và cháy/Và tàn lụi”...
Trải qua hơn nửa thế kỷ, giọng thơ của ông như thấm đẫm những cỏ cây, dòng sông, miền đất quê nhà, những nơi chốn ông đã đến và trải qua.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa