Bài viết của Hồ Quang Thành – Trưởng phòng Tư pháp huyện Vạn Ninh
Đăng ký và quản lý hộ tịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Thông qua hoạt động này, Nhà nước có cơ sở để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ở nước ta, đăng ký hộ tịch có lịch sử từ thời nhà Trần. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta mới có được một luật riêng về lĩnh vực này. Và mới đây, một tuần sau thời điểm Luật Hộ tịch được thông qua, Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đã đưa ra Tuyên bố về đăng ký và thống kê hộ tịch, trong đó nhấn mạnh 10 năm 2014 – 2024 là thập kỷ đăng ký và thống kê hộ tịch với nhiều cam kết mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực.
Nói như thế để thấy được tầm quan trọng của công tác hộ tịch. Và đâu là những thay đổi căn bản trong Luật Hộ tịch để giải quyết được nhiều bất cập đang xảy ra cho người dân hiện tại? Mời bạn đọc tìm hiểu những nội dung sau:
- Từ đầu năm 2006, khi Nghị định số 158/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực cho đến nay, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận lĩnh vực này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, có tình trạng thông tin hộ tịch của cá nhân trong các giấy tờ không thống nhất; thực tế cho thấy có trường hợp một người có tới 2 thậm chí 3 giấy khai sinh; rồi việc tùy tiện cải chính năm sinh, việc khai tử không đúng quy định của pháp luật để trục lợi (ví dụ như: để đủ tiêu chuẩn quy hoạch, bổ nhiệm; không khai tử cho người đã chết để tiếp tục hưởng tiền trợ cấp, bảo hiểm xã hội, ngược lại có trường hợp khai tử cho người còn sống để hưởng chế độ tử tuất, để chia nhau ”di sản”...); hay để trốn tránh pháp luật (Ví dụ như để tảo hôn...). Tất cả những điều này đều ảnh hưởng không tốt đến trật tự xã hội, công tác quản lý của Nhà nước và cả việc thực hiện chính quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Ngày 20/11/2014 Quốc hộ thông qua Luật Hộ tịch và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016 được xem là bước ngoặt quan trọng trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Thể hiện trên 2 bình diện:
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên có văn bản ở tầm Luật để quy định về lĩnh vực này, trước đây chỉ là các Nghị định của Chính phủ và các Thông tư, nên hiệu lực thi hành còn hạn chế, thực hiện chưa nghiêm. Bên cạnh đó, vì được quy định trong nhiều văn bản, nên dẫn đến khó tra cứu để áp dụng. Nay có Luật của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất chắc hẳn sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế nêu trên.
Thứ hai, với việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch với rất nhiều nội dung mới, mang tính đột phá và có thể nói đây là một cuộc ”Cách mạng” trong lĩnh vực này. Tại sao?:
Một là, Luật quy định việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Chẳng hạn tới đây khi đăng ký khai sinh thì ngoài việc được cấp Giấy khai sinh, người được đăng ký khai sinh đồng thời được cấp Số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi cá nhân, không lặp lại ở người khác; số này cũng chính là Số Thẻ căn cước công dân được cấp khi công dân đủ 14 tuổi. Như vậy, với việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai sinh chắc hẳn sẽ cao, tình trạng một người có 2 hay 3 giấy khai sinh, tùy tiện cải chính ngày tháng năm sinh sẽ không còn cơ hội để tồn tại nữa.
Hai là, với việc Luật cho phép xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (song song với cơ sở dữ liệu giấy), đồng thời kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ quan có chức năng có thể lấy thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, thì một mặt sẽ khắc phục được tình trạng không thống nhất về thông tin cá nhân trên hồ sơ, giấy tờ cũng như trong các cơ sở dữ liệu có liên quan và mặt khác là sự cải cách đáng kể thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.
Ba là, Luật có nhiều quy định nhằm hạn chế sai sót, vi phạm có thể xảy ra trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch như: quy định mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan hộ tịch, bỏ thẩm quyền đăng ký hộ tịch của UBND cấp tỉnh để tập trung cho công tác quản lý Nhà nước, bổ sung quy định cấm can thiệt trái pháp luật vào hoạt động đăng ký hộ tịch, quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn công chức làm công tác hộ tịch; bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm trong đăng ký và quản lý hộ tịch, đặc biệt là nghiêm cấm người có thẩm quyền quyết định đăng ký hộ tịch thực hiện việc đăng ký hộ tịch cho bản thân hoặc người thân thích; quy định Giấy tờ hộ tịch được cấp cho trường hợp đăng ký hộ tịch vi phạm quy định của Luật không có giá trị và phải thu hồi, huỷ bỏ ...Với những quy định mang tính cải cách trên, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta sẽ bước sang một giai đoạn mới, đi vào chính quy, hiện đại; tình trạng không thống nhất, thiếu chính xác về thông tin hộ tịch của cá nhân hay tùy tiện lợi dụng đăng ký hộ tịch để trục lợi hoặc trốn tránh pháp luật sẽ không còn cơ hội để diễn ra. /.
Thực hiện: HQT