Nghề hấp cá cơm mờm xuất khẩu từ lâu đã trở thành một nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn tạo nên những hình ảnh đẹp tại làng chài ven biển xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Men theo con đường nhỏ của xóm chài thôn Tây Nam 1, xã Đại Lãnh, chúng tôi được người dân nơi đây giới thiệu lò hấp cá cơm của ông Võ Kẹo, với trên 40 năm làm nghề đánh bắt, thu mua và hấp cá cơm mờm lớn nhất nơi đây. Qua cuộc trò chuyện, ông Kẹo cho biết: “cá cơm mờm chỉ sống ở ven bờ, nằm ở độ sâu 20-30 m nước, khi trưởng thành cá dài khoảng 2cm. Các ngư dân thường đánh bắt vào ban đêm, đến gần sáng các lò hấp dùng ghe thu gom cá trên biển, ướp đá để cá được tươi, ngon rồi đưa về lò hấp”.
Có mặt tại làng chài từ sáng sớm, chúng tôi cảm nhận không khí ở làng chài thôn Tây Nam 1 trở nên nhộn nhịp, các lò hấp cá bắt đầu đỏ lửa, rộn ràng tiếng nói, cười của những người làm công cho các xưởng hấp cá. Nhiều thùng cá được chuyển về các lò hấp cá và bắt đầu các công đoạn chế biến. Cá đưa về được rửa qua nhiều lần nước ngọt và phân loại lớn nhỏ và các tạp chất, sau đó trải đều lên các vỉ làm bằng lưới trủ và đưa vào lò hấp, mỗi mẻ cá đưa vào lò hấp khoảng từ 25 đến 30 vỉ được đun 15- 20 phút với nhiệt độ gần 1.000 độ C. Nếu đầu ngày, mùi cá hấp phản phất ở đầu làng thì trưa và chiều là thời điểm thích hợp để phơi cá, cá được phơi đều trên các dàn tre được dựng sẵn, Những con cá cơm mờm chỉ thơm ngon khi được phơi dưới ánh nắng mặt trời, nếu nhiệt độ từ 38-40 độ C phơi hơn 4 giờ. Trong quá trình phơi, phải trở cá liên tục để cá khô đều, tránh quá khô hoặc quá ướt.
Cá sau khi phơi khô sẽ được công nhân dùng đũa lựa lại một lần nữa, loại bỏ cá xấu, cá tạp...rồi bán cho các thương lái, mỗi ký cá mua trên biển giá gần 20 ngàn đồng qua các công đoạn hấp, phơi khô, các lò hấp bán lại cho thương lái 100 ngàn đồng/kg, trung bình mỗi 4 ký cá tươi cho ra 1 ký cá khô. Ông Võ Kẹo, chủ lò hấp cá tại thôn Tây Nam 1 chia sẻ thêm: “Thời điểm này thời tiết nắng ráo thích hợp cho phơi cá, đến hơn 10 ngày nữa các lò hấp cá sẽ ngưng hoạt động một thời gian vì thời tiết không thích hợp để phơi cá”.
Ông Trần Quốc Quân, người thu mua cá cho biết: mỗi ngày ông mua hàng tấn cá cơm mờm khô từ các lò hấp cá rồi phân phối khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam nhưng nhiều nhất vẫn là thị nước ngoài như Trung Quốc. Chính vì vậy mà người dân có được một việc làm và thu nhập ổn định dẫu có vất vả, khó khăn.
Gắn bó với nghề hấp cá cơm gần 15 năm nay, bà Nguyễn Thị Thùy Dương chia sẻ: công việc hàng ngày của bà là lựa cá, cá về lò hấp lúc nào, bà lựa lúc ấy, tùy theo sản lượng, nhưng trung bình là 300 ngàn đồng/ngày, thu nhập như vậy cũng khá ổn định so với nhu cầu tại địa phương.
Không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương mà các cơ sở hấp cá còn là nơi thu mua, tiêu thụ một lượng thủy hải sản đáng kể cho ngư dân nơi đây, góp phần giải quyết bài toán kinh tế ở địa phương.
Ông Nguyễn Lê Ngọc Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: Toàn xã hiện có 9 lò hấp cá, trong đó thôn Tây Nam 1 có 2 lò hấp cá cơm, mùa cá cơm mờm bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch, nhưng năm nay từ hơn 10 ngày qua, loại cá cơm này vẫn còn xuất hiện nhiều, có ngày lên đến hàng tấn; nhờ đó đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây./.
HOÀI DUY