Người nuôi thủy sản ở huyện Vạn Ninh đang lao đao thua lỗ vì tôm hùm, cá đều rớt giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, người dân vẫn phải tiếp tục xoay vốn để duy trì các ô lồng đang nuôi. Trong hoàn cảnh ấy, Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng nhằm chia sẻ khó khăn với người dân.
Tôm rớt giá, người nuôi lao đao
Có thâm niên theo nghề nuôi tôm hùm ở vùng biển Vạn Thạnh, ông Lê Xuân Hân (tổ dân phố số 1, thị trấn Vạn Giã) nếm đủ ngọt bùi, cay đắng từ con tôm. Cơn bão số 12 (năm 2017) khiến tiền tỷ đổ xuống biển không còn gì nhưng sau bão, gia đình ông cố gắng gượng để thả nuôi lại để duy trì cuộc sống. Vụ đầu tiên xuất bán năm 2019, gia đình ông chỉ hòa vốn. Lứa tôm hiện nay đã đến kỳ thu hoạch nhưng do giá thấp nên gia đình chưa bán, cố gắng xoay sở đủ cách để cầm cự tiền thức ăn mỗi ngày. Hiện ông đang nuôi khoảng 10.000 con tôm hùm các cỡ. Theo ông Hân, để người nuôi có lãi, giá tôm hùm bông xuất bán phải từ 1,4 triệu đồng/kg trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, giá tôm loại 1 hơn 1 triệu đồng/kg, loại 2 còn 900.000 đồng/kg, loại 3 chỉ còn 800.000 đồng/kg. Ông Hân cho biết: “Đầu ra của tôm hùm khó khăn do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong khi dịch bệnh Covid-19 lại kéo dài, tôm rớt giá, càng bán càng lỗ. Người dân bây giờ chỉ vớt ít tôm bán để có tiền mua mồi cho tôm cầm cự, cố kéo được tới đâu hay tới đó. Đây là khó khăn chung trong tình hình dịch bệnh chứ không riêng gì người nuôi thủy sản nên chúng tôi phải chấp nhận. Trong lúc khó khăn, nhiều người nuôi tôm như tôi được Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh giảm lãi suất cho vay. Như khoản vay tiền tỷ của tôi được giảm lãi suất 2,5%/năm, mỗi tháng giảm được 5 - 6 triệu đồng. Số tiền không lớn nhưng chúng tôi thấy ấm lòng trong lúc đang khó khăn phải xoay sở cầm cự”.
|
20 năm trước, ông Phan Thanh Tuấn (Quảng Hội 2, Vạn Thắng) từng nuôi tôm hùm rồi chuyển nghề. Bẵng đi nhiều năm, ông Tuấn quay lại với nghề nuôi tôm hùm bông đầu tư lớn và cũng lắm rủi ro. Đến nay, ông Tuấn đã nuôi được 2 mùa, hiện có hơn 10.000 con tôm các loại; trong đó, tôm thịt tầm 12 - 15 tháng hơn 8.000 con; mới thả thêm 2.500 con. Số tôm đến kỳ thu hoạch hiện gia đình vẫn đang chờ giá cao để bán. Ngoài tôm hùm, ông Tuấn còn nuôi thêm cá chim trắng nhưng xuất bán cũng đang gặp khó vì “giá thấp mà thương lái cứ hẹn hò lần lữa vẫn chưa chịu bắt”. Thời gian qua, ông Tuấn lựa một số tôm cái (do sợ đến mùa tôm ôm trứng) và những con chậm lớn bán trước để có tiền trang trải thức ăn, số tôm đực ông cố giữ đến Tết vì thường giá tôm cuối năm sẽ tăng cao hơn. Mỗi ngày tốn 5 - 6 triệu đồng tiền thức ăn cho tôm nhưng ông Tuấn vẫn tiếp tục thả thêm với hy vọng sang năm tôm sẽ được giá vớt vát lại. Món nợ tiền tỷ tại ngân hàng của ông cũng được Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh giảm lãi suất 2,5%/năm, san sẻ phần nào gánh nặng với người nuôi tôm.
Chia sẻ khó khăn với người nuôi
Theo ông Nguyễn Phương Thảo - Phó Giám đốc phụ trách Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh, sau cơn bão số 12, tình hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) gặp nhiều khó khăn. Do nguồn nước bị xáo trộn, môi trường nuôi không còn thuận lợi. Hơn nữa, theo quy hoạch vùng NTTS, một số vị trí nuôi trồng chưa thuận lợi, diện tích chật hẹp, không phù hợp với việc nuôi trồng. Trong khi đó, ngân hàng chỉ được cho người dân vay vốn với điều kiện NTTS trong vùng quy hoạch. NTTS thực sự khó khăn khi tỷ lệ hao hụt nhiều, chi phí đầu tư lớn nhưng giá cả xuống thấp. Trước đây, trung bình tôm hùm loại 1 có giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/kg; bây giờ chỉ duy trì khoảng 1 - 1,1 triệu đồng/kg; tôm hùm xanh khoảng 400.000 - 450.000 đồng/kg. Với giá xuất khẩu như vậy, người dân thua lỗ nặng nhưng vẫn phải tiếp tục chạy vốn để duy trì việc nuôi trồng.
Thấu hiểu những khó khăn của người nuôi tôm, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Agribank, Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh đã tích cực triển khai hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, chi nhánh đã gia hạn nợ cho 37 khách hàng, với dư nợ 22 tỷ đồng và thực hiện cho vay ưu đãi với lãi suất giảm tối đa 2,5%/năm cho 59 khách hàng với dư nợ 82,4 tỷ đồng. Để được nhận những ưu đãi này, chính quyền địa phương cần chung tay phối hợp, hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các thủ tục xác nhận rủi ro, thiệt hại. Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện, cung cấp hồ sơ chứng từ đầy đủ theo quy định sẽ được ngân hàng áp dụng chính sách hỗ trợ. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vì thế, chi nhánh sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp hỗ trợ khách hàng theo đúng quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Agribank nhằm đồng hành với người dân trong quá trình phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa