Được biết, vụ cúc kéo dài khoảng 3 tháng
nhưng người trồng cúc không lúc nào ngơi tay, bởi cúc vừa nhổ bán hết
thì đã có cúc con đưa xuống thay thế. Cứ thế, vụ cúc xoay vòng liên tục
quanh năm. Vào dịp rằm hay mùng một là thời điểm tiêu thụ cúc mạnh nhất,
nhiều thương lái đặt mua với giá bình quân 5.000 - 7.000 đồng/cây; ngày
Tết còn rộ hơn do nhu cầu tăng cao…
Người trong làng cho hay, sông Đồng Điền và phù sa của nó tạo cho đất
Bình Trung 2 thích hợp với cây cúc. Chỉ cần bơm tưới ngày 3 lần là cúc
phát triển tốt. Thị trường cúc khá rộng, bán sỉ, lẻ, chợ hay thương lái
đều được. Bà Hồ Thị Thương - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vạn Bình cho
biết, hội đang xem xét thành lập một câu lạc bộ phụ nữ chuyên trồng cúc
vàng hòe nhằm đẩy mạnh việc trồng loại hoa này trên địa bàn.
Gần đây, Bình Trung 2 còn đưa vào trồng các giống hoa mới. Ông Mai Thành
Kiệt cho biết, 2 năm trở lại đây, làng có thêm nhiều giống hoa, xuất xứ
từ Đà Lạt như: cúc tiger, cúc Hà Nội... Ngoài ra, còn có các giống khác
đang thử nghiệm như: thược dược, dạ lý hương… Tuy nhiên, khác với cúc
vàng hòe chủ yếu bán vào dịp rằm, mùng một, các loài hoa trên phục vụ
cho ngày Tết.
Làng Trường Thạnh (xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh) cũng trồng nhiều
giống cúc này, nhưng hiện nay đã đi vào thoái trào. Ông Đỗ Phan Ba -
người có thâm niên trồng cúc trong làng cho hay, cách đây 10 - 15 năm,
làng cúc vào vụ Tết cũng rộn rã. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nơi đã trồng
được loại cúc này với sản lượng lớn nên làng nhanh chóng mất tên tuổi.
Số hộ còn gắn bó với nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay và họ tự đem hoa
đi tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn. Nhà ông Ba cũng duy trì việc
trồng cúc đất, bình quân 100m2 trồng được 1.000 cây, lãi 2,5 - 3 triệu
đồng/vụ. Tỷ lệ hoa cúc vàng hòe bán dịp Tết khoảng 40%, chủ lực là bán
vào ngày rằm, mùng một. Theo ông Ba, việc trồng cúc đất tuy hiệu quả
nhưng rất khó phát triển bởi thiếu đất trồng và khó khăn trong khâu tiêu
thụ.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa