|
Tin nổi bật
Ngày 14-8-1945, dưới sự lãnh đạo
của Đảng, nhân dân huyện Vạn Ninh đã đứng dậy cướp chính quyền, nổ
phát súng đầu tiên cho cao trào Cách mạng Tháng Tám ở Khánh Hòa. Năm
tháng qua đi, tuy vật đổi sao dời, chứng tích lịch sử không còn nhiều,
nhưng dư âm của những ngày hào hùng ấy vẫn còn vang vọng trong lòng
người dân nơi đây…
Mốc son lịch sử
Về huyện Vạn Ninh những ngày này, chúng ta dễ dàng bắt gặp những biểu
ngữ, áp phích kỷ niệm 70 năm ngày khởi nghĩa giành chính quyền của
huyện. Theo giới thiệu của Huyện ủy Vạn Ninh, tôi tìm gặp ông Nguyễn
Miết (92 tuổi, hiện sống ở thôn Tân Đức Tây, xã Vạn Lương) - nhân chứng
hiếm hoi còn lại của thời kỳ Cách mạng Tháng Tám. Theo ông Miết, đầu
năm 1945, phong trào cách mạng ở Quảng Phước (huyện Vạn Ninh ngày nay)
phát triển mạnh, ảnh hưởng của Việt Minh ngày càng lớn, nhất là các vùng
đông dân cư quanh Vạn Giã như: Trung Dõng (xã Vạn Bình), Phú Cang (xã
Vạn Phú), Phú Hội, Quảng Hội (xã Vạn Thắng), Tân Mỹ, Hiền Lương (xã
Vạn Lương). Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), phong trào cách
mạng ở Vạn Ninh càng phát triển sâu rộng, các đội tự vệ được thành lập,
các tổ chức Việt Minh, đoàn thể ngày càng được củng cố và mở rộng. Đến
đầu tháng 8-1945, khí thế cách mạng ở Vạn Ninh lên rất cao, một số làng
đã tiến hành rèn vũ khí, luyện tập quân sự để chuẩn bị khởi nghĩa.
Bia di tích lịch sử đình Phú Cang
Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ huyện
Vạn Ninh, đêm 12-8-1945, Tỉnh ủy mở hội nghị bất thường tại Nha Trang
gồm các đồng chí lãnh đạo Việt Minh tỉnh và các huyện. Tại hội nghị này,
đồng chí Hoàng Hữu Chấp - người lãnh đạo phong trào cách mạng ở Vạn
Ninh khi ấy đã báo cáo tình hình và xin ý kiến tỉnh cho phép Vạn Ninh
khởi nghĩa trước. Lãnh đạo tỉnh đánh giá cao phong trào và nhất trí cho
địa phương này khởi nghĩa theo kế hoạch của huyện. Sáng 13-8, đồng chí
Hoàng Hữu Chấp đã triệu tập hội nghị thành lập Ủy ban Khởi nghĩa, hạ
quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện vào ngày 14-8. Sau hội
nghị, cơ quan lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa được chuyển về đình Phú
Cang (xã Vạn Phú). “Để chuẩn bị khởi nghĩa, phía ta đã thương lượng với
lính Nhật ở Ga Vạn Giã để chúng không can thiệp vào công việc của ta
và cho mượn 3 khẩu súng trường. Ngoài ra, Việt Minh còn trưng dụng 3
khẩu súng săn của các nhà giàu, cha xứ trong vùng để trang bị cho các
đội vũ trang. Lực lượng quần chúng chuẩn bị tài liệu tuyên truyền, cờ đỏ
sao vàng sẵn sàng cho khởi nghĩa”, ông Nguyễn Miết nhớ lại.
Tối 13-8, lực lượng khởi nghĩa từ đình Phú Cang đã chia làm 3 nhóm tiến
về bao vây, áp sát trụ sở huyện đường Vạn Ninh (nay thuộc thôn Quảng
Hội 1, xã Vạn Thắng). Khi tiếng loa phát lệnh khởi nghĩa bắt đầu, các tổ
vũ trang của ta đã xông vào huyện đường. Phía ngoài, lực lượng quần
chúng mang theo vũ khí thô sơ, nổi trống gõ mõ, đèn đuốc sáng một
vùng. Trước khí thế cách mạng của ta, lính lệ không dám chống cự và phải
giao nộp toàn bộ vũ khí. Tri huyện Nguyễn Trọng Thuần buộc phải giao ấn
tín, giấy tờ, ngân quỹ cho lực lượng khởi nghĩa. 6 giờ sáng 14-8, cờ đỏ
sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ ở sân huyện đường, tiếng vỗ tay hoan
hô của những người mít tinh vang rền. Đồng chí Hoàng Hữu Chấp đại diện
Ủy ban Khởi nghĩa bước lên lễ đài tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn
tay sai của Nhật và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời huyện; công
bố chương trình 10 điểm của Mặt trận Việt Minh và khẳng định đây là
cương lĩnh hành động của chính quyền cách mạng. Trong sáng hôm đó, cuộc
mít tinh chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành, quần chúng vừa đi vừa hô
vang khẩu hiệu: “Đã đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam
độc lập muôn năm...”. Từ huyện đường, đoàn người tỏa về các làng xung
quanh huyện lỵ, tiếp tục xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền
cách mạng. Đến hết ngày 15-8, toàn bộ 3 tổng thuộc Quảng Phước là: Phước
Thiện, Phước Tường Nội, Phước Tường Ngoại đều đã thuộc về cách mạng.
Cuộc khởi nghĩa của nhân dân huyện Vạn Ninh thắng lợi là phát pháo lệnh
đột phá mở màn cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh.
Việc Vạn Ninh giành được chính quyền trước khi nhận được lệnh Tổng khởi
nghĩa toàn quốc đã thể hiện sự chủ động, biết nắm bắt thời cơ của lực
lượng cách mạng địa phương. Ông Phùng Minh Châu (84 tuổi, tổ dân phố số
7, thị trấn Vạn Giã) cho biết, những ngày sau khởi nghĩa, người dân ở
Vạn Ninh ai cũng hân hoan phấn khởi. Mọi người hăng hái tham gia các tổ
chức quần chúng, tập luyện để sẵn sàng chiến đấu. “Khi ấy, tôi vừa hoàn
thành xong chương trình Primaire (tiểu học) định ra Bình Định học tiếp
thì quê nhà khởi nghĩa giành chính quyền. Những ngày ấy, trong làng
ngoài xóm vui như hội, ai cũng nói đến việc xây dựng đời sống mới. Ba
tôi có tham gia khởi nghĩa nên tôi được các chú giao làm Đội trưởng Đội
thiếu nhi. Hàng ngày, Đội tập đi đều, tập hát các bài hát cách mạng. Lớp
thanh niên thì tập luyện sẵn sàng chiến đấu...”, ông Châu nhớ lại.
Năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã công nhận ngày 14-8-1945 là ngày
truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Vạn
Ninh. Ngày này đã trở thành mốc son, niềm tự hào của người dân nơi đây.
Dấu ấn xưa - nay
Trở lại Vạn Ninh lần này, tôi cùng nhà nghiên cứu văn hóa Võ Khoa Châu
(thị trấn Vạn Giã) đi tìm lại những dấu tích của Cách mạng Tháng Tám
ở đây. Theo biến thiên của lịch sử, khu đất huyện đường năm xưa nay đã
được dùng để xây dựng Trường Mẫu giáo Vạn Thắng, xung quanh có nhà dân ở
san sát. Vết tích về một khu huyện đường ngày xưa không còn, có chăng
chỉ phảng phất ở cây cầu mang tên cầu Huyện - nối thị trấn Vạn Giã với
xã Vạn Thắng. Đình Phú Cang (xã Vạn Phú) - nơi đặt trụ sở của Ủy ban
Khởi nghĩa huyện Vạn Ninh đã được công nhận Di tích Văn hóa - Lịch sử
quốc gia từ năm 1998.
Thị trấn Vạn Giã đã mang dáng dấp một đô thị hiện đại. Ảnh: CÔNG ĐỊNH
Gợi lại chuyện xưa, ông Văn Bén (76
tuổi, giữ đình 15 năm qua) hào hứng hẳn lên. “Khi khởi nghĩa nổ ra, tôi
còn nhỏ. Tuy nhiên, sau này lớn lên, nhiều người trong làng kể rằng,
đình này từng gắn bó với phong trào cách mạng. Tôi tình nguyện làm người
giữ đình để cho con cháu đời sau còn biết về lịch sử của cha ông”, ông
Bén tâm sự. Ngoài đình Phú Cang, thị trấn Vạn Giã ngày nay có 2 con
đường gắn với khởi nghĩa tháng Tám 1945, đó là đường 14-8 và đường Hoàng
Hữu Chấp.
Rời đình Phú Cang, nhà nghiên cứu Võ Khoa Châu cùng tôi đi quanh thị
trấn Vạn Giã - nay đã mang dáng vóc của một đô thị hiện đại với những
con đường mới được chỉnh trang đẹp đẽ, những ngôi nhà cao tầng vươn cao
trong nắng. Bãi biển Vạn Giã cong cong như vầng trăng non với nước
trong xanh và những hàng dừa xanh ngắt vươn mình ra biển. Để có được
diện mạo hôm nay, 5 năm qua, huyện Vạn Ninh đã đầu tư 567 tỷ đồng để
xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, huyện đã tập trung
triển khai các giải pháp xây dựng và phát triển đô thị Vạn Giã; tăng
cường đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội thị gắn với hoàn thiện
các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là các trục đường chính như: Lê
Hồng Phong, đường 14-8, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, cầu Hiền Lương 2,
các khu dân cư: Lương Hải, Ruộng Đùi, Đồng Láng... Bên cạnh đó, huyện
còn chú trọng nâng cấp các công trình hạ tầng xã hội, đưa vào hoạt động
Bệnh viện Đa khoa Vạn Ninh, Nhà máy nước Vạn Ninh, chuyển đổi mô hình
hoạt động chợ Vạn Ninh, xã hội hóa kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách các
công trình phục vụ công cộng, nâng cấp các cơ quan hành chính nhà nước.
Những điều này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, đẩy nhanh tốc độ
đô thị hóa ở khu trung tâm huyện.
Người làm văn hóa như ông Châu không để ý nhiều đến những con số về kinh
tế. Ông cảm nhận sự thay đổi của quê hương bằng việc quan sát đời sống
của người dân, sự đổi thay của quê hương. Ông Châu giới thiệu về những
nét đổi mới trên quê hương mà giọng không giấu được niềm vui, sự tự hào.
Nào là cầu Trần Hưng Đạo nối khu Lương Hải vào thị trấn Vạn Giã đã góp
phần tăng quỹ đất phát triển đô thị, rồi đến cầu Hiền Lương 2 nối cả
thôn Tân Đức Đông của xã Vạn Lương vào thị trấn đã làm đổi thay diện
mạo cả một làng biển nghèo. Ngày xưa, từ Vạn Giã muốn qua Tân Đức Đông
phải đi đò hoặc đi vòng lên quốc lộ; còn hiện nay, đường sá thẳng tắp,
chỉ vài phút chạy xe máy là tới nơi. “Đi giữa thị trấn với những con
đường thẳng tắp, đèn điện sáng choang... cứ ngỡ như đang ở thành phố.
Bạn bè của tôi lâu ngày ghé lại Vạn Giã, ai cũng ngạc nhiên bởi sự đổi
thay của vùng đất này”, ông Châu nói.Chiều về, chạy xe dọc theo đường Trần Hưng Đạo - con đường theo chân
sóng bao quanh mặt phía đông thị trấn Vạn Giã, tôi cảm nhận được tiềm
năng phát triển kinh tế của vùng đất này. Nghĩ về đất và người Vạn
Ninh, trong tôi trào dâng niềm tin, rồi đây, vùng đất từng dựng ngọn cờ
đầu trong cao trào Cách mạng Tháng Tám ở xứ Trầm Hương sẽ có nhiều bước
tiến mới.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa.
Các tin khác
|
Đang online:
388
Số lượt truy cập:
9478134
|