Thời gian qua, huyện Vạn Ninh đã tập trung triển khai chuyển đổi số đạt được những kết quả tích cực. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị và phát huy hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.
Hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị và 13 xã, thị trấn triển khai công tác chuyển đổi số. Đồng thời, thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã; mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 84 thôn, tổ dân phố; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân… Nhờ đó, bước đầu huyện đã đạt những kết quả thiết thực. Theo đó, các ngành chức năng đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết hơn 1.320 thủ tục hành chính, thuộc danh mục 25 dịch vụ công thiết yếu cho người dân; thực hiện đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu dân cư, đến nay đã làm sạch hơn 28.000 dữ liệu, đạt 94,5%. Hầu hết các trường học trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; một số trường mầm non như: Bình Minh, Vạn Giã, Vạn Lương và các trường THCS: Âu Cơ, Văn Lang, Đống Đa… áp dụng xét tuyển học sinh đầu cấp sử dụng hồ sơ điện tử, dạy học trực tuyến, xây dựng thư viện điện tử, số hóa dữ liệu về cơ sở vật chất và trang thiết bị, đồ dùng học tập.
|
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế trên địa bàn huyện đã áp dụng khám, chữa bệnh bằng các phần mềm: Bảo hiểm y tế VssID, báo cáo bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng mở rộng. Việc thực hiện sổ khám sức khỏe điện tử và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong thu phí, viện phí đã tạo thuận lợi cho người dân. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thực hiện chuẩn hóa dữ liệu hơn 6.300 đối tượng bảo trợ xã hội và bổ sung, cập nhật mã định danh cho hơn 29.700 trẻ em, góp phần đảm bảo thực hiện chính sách nhanh, đầy đủ, đúng đối tượng.
Huyện còn phối hợp đưa một số sản phẩm OCOP là chả cá và trầm hương mỹ nghệ cùng một số sản phẩm đặc trưng như: Hải sản, tỏi, nước mắm… lên sàn thương mại điện tử. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá về giá trị, chất lượng các sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân. Ngoài ra, huyện đã ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin dữ liệu đất đai, phần mềm BASE (quản lý quy trình và công việc) để phục vụ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn.
Kể từ tháng 7, huyện triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện và 13 xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện đã tiếp nhận và giải quyết hơn 1.500 hồ sơ chứng thực điện tử bản sao cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Từ đó, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian chờ đợi, đi lại của người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt, trên lĩnh vực tài chính và kế hoạch, huyện đã áp dụng có hiệu quả các phần mềm Tabmis, Pabmis, quản lý tiền lương, tài sản, đăng ký kinh doanh… phục vụ tốt cho công tác quản lý tài chính, ngân sách chặt chẽ và minh bạch…
Phấn đấu chuyển đổi số toàn diện
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện, thời gian qua, huyện đã thực hiện rà soát, đề xuất kinh phí khoảng 4,9 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện chuyển đổi đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại 6 xã: Vạn Bình, Vạn Hưng, Đại Lãnh, Vạn Long, Vạn Thọ và Xuân Sơn; trong năm 2023, thực hiện chuyển đổi tại 7 xã, thị trấn còn lại. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng.
Địa phương đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, quảng bá nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ để phát triển huyện trở thành đô thị du lịch biển cao cấp theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, tập trung xây dựng đô thị thông minh để đạt mục tiêu đến năm 2025, Vạn Ninh trở thành đô thị loại IV.
Cùng với đó, huyện áp dụng các phần mềm khám, chữa bệnh từ xa nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế; thực hiện chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, sử dụng bệnh án điện tử, hình thành bệnh viện thông minh, tích hợp thông tin, dữ liệu quốc gia về y tế. Có 100% cơ sở giáo dục triển khai ứng dụng công nghệ số, nhất là trong quản lý, giảng dạy, học tập, số hóa tài liệu, giáo trình. Huyện quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, tự động hóa quy trình sản xuất, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm minh bạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; đầu tư hệ thống giao thông thông minh…
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa