MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BÃO TẠI XÃ VẠN HƯNG,
HUYỆN VẠN NINH, TỈNH KHÁNH HÒA
ThS. Đặng Thịnh Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật
Vạn Hưng là xã đồng bằng nằm phía Nam huyện Vạn Ninh; phía Đông giáp với Biển Đông, phía Bắc giáp xã Vạn Lương, phía Tây giáp xã Xuân Sơn và phía Nam giáp xã Ninh An, Ninh Thọ, Ninh Sơn thuộc thị xã Ninh Hòa; có 9,8 km đường Quốc lộ 1A, 8,7 km đường sắt chạy qua và có 11 km bờ biển; Xã có 06 thôn (Xuân Tự 1, Xuân Tự 2, Hà Già, Xuân Vinh, Xuân Đông và Xuân Tây). Trên địa bàn xã có: 01 Tu viện Giác Hải, 02 chùa, 03 Tịnh xá và 01 nhà thờ (Vạn Xuân).
Về đặc điểm khí hậu của xã Vạn Hưng, khí hậu ở Vạn Hưng chia làm hai mùa nhưng nằm trong tiểu vùng khí hậu đồng bằng ven biển, mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương nên tương đối ôn hòa. Nhiệt độ giữa hai mùa không chênh lệch lớn. Mùa mưa bắt đầu từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 11, lượng mưa trung bình hàng năm giao động từ 1.500 – 2000 mm. Mùa nắng ráo từ tháng 5 đến tháng 8, nhiệt độ giao động từ 22oc đến 34oc.
Hệ thống sông suối được lấy từ hai nguồn: Nguồn nước mặt được cung cấp bởi hệ thống suối chính, bao gồm (lấy nước từ đập Đá Bàn và một số suối khác), ngoài ra còn một số lượng lớn các ao hồ… Nguồn nước ngầm phân bố không đều, chủ yếu nằm sâu trong lòng đất nên rất khó khai thác và sử dụng.
Vạn Hưng có vị trí địa lý đặc thù của các tỉnh Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Phía Tây giáp núi, Phía Đông giáp biển Đông và được che chắn bởi các đảo như Hòn Ong, Hòn Lớn, Hòn Săng...
Trong thời gian qua, với sự biến động mạnh mẽ của thời tiết, tại xã Vạn Hưng đã gánh chịu rất nhiều sự ảnh hưởng của các cơn bão với cường độ khác nhau, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân trên địa bàn. Năm 2017, xã Vạn Hưng nằm trong tầm ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 12, sau khi cơn bão đi qua, nhiều ngôi nhà đã bị tốc mái, hoa màu bị thiệt hại nặng nề, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy hải sản của người dân và của các công ty thủy sản bị thất thoát, nhiều tàu cá bị hư hỏng, một số người dân bị thương. Trong năm 2018, 2019 và 2020, tuy rằng không có cơn bão nào lớn như cơn bão số 12 năm 2017 đi qua địa phương (cơn bão số 12 năm 2020 là cơn bão lớn nhất tính đến thời điểm hiện nay), song với diến biến rất phức tạp thì trong thời gian tới sự ảnh hưởng của các trận bão đến đời sống của người dân trên địa bàn vẫn là vấn đề rất đáng quan tâm.
Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại, ứng phó kịp thời, có hiệu quả đối với các cơn bão, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã Vạn Hưng cần chủ động thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
Một là, Ủy ban nhân dân xã Vạn Hưng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống bão cho người dân.
Hình thức tuyên truyền có thể thực hiện thông qua việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hệ thống loa, đài tại các thôn của địa phương, thông qua hoạt động của các tổ chức chính trị tại địa phương, thông qua các đồng chí Trưởng thôn, Bí Thư chi bộ, thông qua việc tuyên truyền bằng tờ rơi, tờ gấp, dán thông báo tại các khu dân cư tập trung, nơi đông người... Cần lưu ý thời điểm trước khi các cơn bão chuẩn bị đổ bộ vào địa phương, chính quyền cần sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có để truyền tin dự báo, cảnh báo bão, hướng dẫn nhân dân di dời, sơ tán, chằng chống nhà cửa theo phương thức “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, bảo đảm tất cả người dân đều thường xuyên nắm được thông tin, chủ động phòng, chống bão; vận động, tuyên truyền người dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Các hoạt động này cần được tiến hành thường xuyên và liên tục để nâng cao nhận thức của người dân, để người dân tích cực và chủ động trong công tác phòng, chống bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Thực tế đã cho thấy trong thời gian vừa qua, nhận thức của người dân trên địa bàn xã trước tác hại của các cơn bão vẫn còn chưa cao. Tâm lý chủ quan vẫn còn tồn tại trong rất nhiều người dân. Điều này có thể thấy rõ trong cơn bão số 12 năm 2017, mặc dù chính quyền địa phương đã liên tục nhắc nhở các hộ dân tiến hành chằng, chống nhà cửa nhưng chỉ có một số hộ dân thực hiện, nhiều hộ dân khác còn cho rằng bão không lớn, không thể ảnh hưởng đến tài sản của gia đình. Trong cơn bão số 12 năm 2020 vừa qua, mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng do mưa lớn nên nhiều nhà dân ở vùng thấp của xã đã bị ngập nặng.
Thứ hai, Ủy ban nhân dân xã cần tiếp tục xây dựng các kế hoạch, các phương án ứng phó bão có tính khả thi và dự phòng.
Các kế hoạch và phương án này bao gồm các vấn đề cụ thể như các phương án bảo vệ nhà cửa, tài sản cho người dân, các phương án di dời dân ra khỏi các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở; nơi ở cho người dân sau khi di dời; phương án kêu gọi tàu thuyền của ngư dân về tránh bão; phương án chằng chống, neo đậu tàu thuyền của người dân; phương án chống sạt lở tại các nơi có người dân sinh sống; phương án dự trữ và cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân trong điều kiện các thôn bị chia cắt về giao thông, thông tin liên lạc dài ngày; phương án về lực lượng, phương tiện, vật tư phòng chống thiên tai, bão lũ... Các phương án này cần quán triệt theo định hướng và phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; hậu cần tại chỗ và vật tư, phương tiện tại chỗ). Trong đó phải luôn lưu ý và xác định các phương án dự phòng cho các tình huống đột xuất, bất ngờ trong thời gian bị ảnh hưởng bởi các cơn bão.
Thứ ba, Ủy ban nhân dân xã cần tích cực huy động các nguồn vốn và các lực lượng tại địa phương và người dân để xây dựng hệ thống chống ngập lụt và thực hiện việc khơi thông dòng chảy, khơi thông các hệ thống thoát nước để nhanh chống ngập cho các vùng trũng, vùng thấp của xã trong điều kiện mưa bão kéo dài và các hồ đập thực hiện việc xả lũ chống vỡ đập.
Xã Vạn Hưng có 9,8 km đường Quốc lộ 1A, 8,7 km đường sắt chạy qua và có 11 km bờ biển. Số lượng người dân sống ven đường quốc lộ, ven biển, gần đường sắt và sống trong các vùng trũng, vùng thấp là khá lớn. Tuy nhiên hiện này tại một số nơi vẫn chưa có hệ thống chống ngập lụt đạt yêu cầu, nhà của một số hộ dân sống ven Quốc lộ 1A lại thấp hơn nền đường sau khi đường 1A được cải tạo lại, hệ thống thoát nước được xây dựng hai bên lề đường 1A có nhiều đoạn đã bị người dân hoặc các trận lụt bão trước đây làm tắc nghẽn dòng chảy. Điều này dẫn đến tình trạng, trong các cơn bão khi có thời gian mưa nhiều và kéo dài nước sẽ chảy ngược vào nhà dân, gây ngập úng trong nhà người dân.
Thứ tư, Ủy ban nhân dân xã cần tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức diễn tập phòng chống bão và tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn toàn xã.
Việc tổ chức các cuộc diễn tập phòng, chống bão và tìm kiếm cứu nạn có tác dụng to lớn đối với việc chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại khi có bão xảy ra. Muốn vậy, trong các buổi diễn tập, các cấp chính quyền khi tổ chức cần phải huy động được sự tham gia của đông đảo các lực lượng và người dân địa phương. Phương án diễn tập nên thực hiện với tình huống giả định với những cơn bão cường độ mạnh cấp 9, cấp 10 hoặc mạnh hơn từ Biển Đông đổ vào địa phận của xã, diễn biến phức tạp, nhiều ngày. Sau mỗi lần tổ chức diễn tập cần thực hiện việc tổng kết, rút kinh nghiệm và nêu ra bài học nhằm chủ động ứng phó kịp thời với bão lũ, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng người dân trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, khí hậu trong tương lai.
Thứ năm, chính quyền địa phương cần thường xuyên và liên tục thực hiện việc kiểm tra và đôn đốc các cá nhân, tổ chức, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn của địa phương thực hiện các nhiệm vụ về công tác phòng, chống bão. Đồng thời cần có hình thức khen thưởng các thành tích đạt được, đi kèm với đó là xử lý nghiêm các hành vi trục lợi hay thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống bão.
Thứ sáu, sau khi thiên tai, bão lũ đã đi qua chính quyền địa phương cần có các phương án cụ thể và kịp thời nhằm khắc phục các thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tái sản xuất, khôi phục lại đời sống của nhân dân trên địa bàn xã. Chủ động thực hiện việc giám sát và cấp phát thuốc cho người dân trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra. Thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, chôn lấp đối với động vật bị chết. Cấp phát thuốc và hướng dẫn người dân về kỹ thuật xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, nhất là các tại các hộ dân có sử dụng nước giếng làm nguồn nước để ăn uống và sinh hoạt.
Như vậy, có thể nói, công tác phòng chống bão có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng đối với xã Vạn Hưng. Việc nghiên cứu và thực hiện các giải pháp trên đây sẽ có ý nghĩa và vai trò vô cùng to lớn đối với việc nâng cao hiệu quả phòng chống bão, hạn chế các thiệt hại về người và tài sản của người dân trên địa bàn xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa./.
ThS. Đặng Thịnh