Năm 2022, cùng với đà tăng của 3 chỉ số: PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) và SIPAS (hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước), PAR INDEX (chỉ số cải cách hành chính - CCHC) của tỉnh cũng tăng cả điểm số và thứ hạng. Đây là động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục duy trì và tăng trưởng vào những năm tới.
Tăng 23 bậc
Năm 2022, PAR INDEX Khánh Hòa đạt 86,19%, tăng 1,08% và tăng 23 bậc so với năm 2021, cao hơn 1,4% chỉ số trung bình chung cả nước. Đây cũng là lần thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2019, PAR INDEX của tỉnh tăng so với năm liền trước. Điều đáng nói, từ năm 2019 đến 2021, PAR INDEX của tỉnh liên tục tăng nhưng thứ hạng vẫn giảm, chỉ đến năm 2022 mới tăng cả về chỉ số và thứ hạng. Kết quả thẩm định của Bộ Nội vụ cho thấy, trong 8 lĩnh vực, Khánh Hòa có 6 lĩnh vực đạt điểm hơn 80%, trong đó có 4 lĩnh vực đạt hơn 90% (gồm: Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách tài chính công; cải cách tổ chức bộ máy hành chính). Đối với lĩnh vực tác động của CCHC, trong 3 nhóm tiêu chí, kết quả khảo sát cán bộ, lãnh đạo quản lý của tỉnh đạt cao nhất với 82,73%, xếp thứ 12/63. Xét về kết quả các chỉ số thành phần, tỉnh có 5/8 chỉ số tăng điểm so với năm 2021; 6 chỉ số cao hơn chỉ số trung bình chung cả nước. Riêng chỉ số cải cách tài chính công đạt 91,06%, xếp thứ 6/63, tăng 14,48% và tăng 44 bậc so với năm 2021, đồng thời tăng 8,86% so với chỉ số trung bình chung cả nước.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh có 4 năm đạt kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC cao hơn trung bình chung cả nước, chỉ riêng năm 2021 thấp hơn nhưng không đáng kể (0,46%). Năm 2022, tỉnh hoàn thành đúng tiến độ 60/60 nhiệm vụ, sản phẩm; đã chỉ đạo khắc phục xong toàn bộ 41 vấn đề cần xử lý qua kiểm tra CCHC 17/29 cơ quan, đơn vị. Tỉnh cũng thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp và kịp thời xử lý bất cập trong tổ chức thực hiện văn bản. Công tác tuyên truyền CCHC được triển khai quyết liệt. Tỉnh đã xây dựng, triển khai phần mềm hỗ trợ xác minh tài sản, thu nhập trên địa bàn tỉnh; đưa vào vận hành hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh; thiết lập 5 điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại TP. Nha Trang. Việc sử dụng kinh phí quản lý hành chính trong năm luôn đúng quy định. Tỷ lệ giảm chi trực tiếp ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập đạt 10,39%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh 97,88%; UBND cấp huyện 98,79%; UBND cấp xã 99,57%. Hơn 90% khách hàng ở cả 3 cấp đánh giá hài lòng hoặc rất hài lòng. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 52%...
Năm 2022, 4 chỉ số quản trị địa phương của Khánh Hòa đều tăng hạng: PCI đạt 67,74 điểm, cao nhất trong 10 năm qua, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng 28 bậc, thuộc top 30 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất; PAPI đạt gần 43,44 điểm, xếp thứ 16/61, tăng 24 bậc, lần đầu tiên thuộc nhóm đạt điểm cao; PAR INDEX đạt 86,19%, xếp thứ 25/63, tăng 23 bậc và là lần thứ 4 liên tiếp tăng về chỉ số so với năm liền trước; SIPAS đạt 76,72%, xếp thứ 53/63, tăng 3 bậc.
Tiếp tục phấn đấu
Năm qua, tỉnh còn 2 lĩnh vực đạt dưới 80%, gồm: Tác động của CCHC; xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số. Lĩnh vực xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số mới chính thức được đưa vào áp dụng, đánh giá với nhiều nhiệm vụ mới. Trên tương quan toàn quốc, kết quả đánh giá các nội dung CCHC năm 2022 cũng có thay đổi; điểm khảo sát chung toàn quốc giảm. Ví dụ, năm 2021, tỷ lệ điểm kết quả khảo sát cán bộ, lãnh đạo quản lý của tỉnh đạt 82,38%, xếp hạng 4/63; năm 2022, tỷ lệ này tăng lên 82,73%, nhưng tỉnh chỉ xếp hạng 12/63. Ngược lại, năm 2022, kết quả CCHC của tỉnh được hội đồng thẩm định đánh giá tuy giảm 1,71% so với năm 2021, nhưng tỉnh vẫn xếp hạng 13/63, tăng 25 bậc. Tương tự, điểm đánh giá kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp năm 2022 giảm 7%, chỉ còn 77,5%, nhưng tỉnh vẫn đứng thứ 54/63, tăng 2 bậc so với năm 2021. Thực tế, kết quả khảo sát 10 tiêu chí của Bộ Nội vụ cho thấy, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tại Khánh Hòa khá tốt ở một số nội dung: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức; kết quả dịch vụ; cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung; sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước…
|
Công chức bộ phận một cửa UBND huyện Khánh Vĩnh hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến. |
Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, các chỉ số quản trị địa phương là một trong những cầu nối thông tin để chính quyền cải thiện hiệu quả hoạt động, hướng đến một nền hành chính phục vụ. Kết quả đánh giá PAR INDEX năm 2022 cũng như các chỉ số quản trị địa phương khác không chỉ ghi nhận nỗ lực của chính quyền các cấp và từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, mà còn khẳng định vai trò quan trọng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân trong việc đo lường sự phục vụ của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, để tiếp tục cải thiện thứ hạng PAR INDEX, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, bởi xu thế chung là các tỉnh, thành phố đều đẩy mạnh CCHC. Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục phát huy những mặt tích cực; đồng thời giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, đề án, giải pháp chi tiết cải thiện hiệu quả quản lý, chất lượng dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực phụ trách, tập trung vào những chỉ số thành phần chưa cao điểm; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền CCHC…
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa