Cách đây 78 năm, quân và dân huyện Vạn Ninh đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 14-8-1945 và xã Vạn Phú được biết đến là nơi khởi nguồn cho “ngọn lửa cách mạng” đó. Phát huy tinh thần ngoan cường vùng quê cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân xã Vạn Phú đã tập trung nỗ lực xây dựng quê hương trong đó có việc thực hiện thắng lợi xây dựng nông thôn mới với quyết tâm đổi thay diện mạo quê hương và nâng cao đời sống nhân dân.
Đi trên những con đường làng của xã Vạn Phú vào thời điểm này, chúng tôi cảm nhận được đổi thay của vùng đất này với hệ thống hạ tầng nông thôn khang trang và những cách đồng lúa chín, đó là thể hiện cho sự vươn lên của vùng quê cách mạng. Có được sự chuyển mình đó là sự nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân xã Vạn Phú trong nỗ lực vượt khó, xây dựng quê hương và nhất là sau hơn 10 năm qua thực hiện xây dựng nông mới. Sau khi được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2018, xã Vạn Phú tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trước hết, địa phương đã tích cực huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao với tổng số vốn hơn 120 tỷ đồng trong đó quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn như: Đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới 48 tuyến đường giao thông, tổng kinh phí hơn 41,8 tỷ đồng; đầu tư 3,5 tỷ đồng lắp mới, sửa chữa hệ thống chiếu sáng 7 tuyến đường. Bên cạnh đó, xã đầu tư hơn 22,9 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp và kiên cố hóa 23 công trình kênh mương. Hệ thống lưới điện được đầu tư đảm bảo nguồn điện an toàn, ổn định, cung cấp phục vụ sản xuất và sinh hoạt của 100% hộ dân. Đến nay, các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm... đều đã được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống kênh mương đảm bảo nước tưới, tiêu cho hơn 97% diện tích đất nông nghiệp... đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Ông Nguyễn Dạn – Thôn Phú Cang 2 Nam, xã Vạn Phú cho biết: “Thực hiện chương trình nông thôn mới, gia đình tôi hưởng ứng bằng nhiều hoạt động như: Bảo vệ môi trường, cùng tham gia công tác xã hội… Sau 10 năm, tôi thấy xã Vạn Phú đổi thay nhiều, hạ tầng ngày càng hoàn thiện hơn; đời sống người dân càng được nâng cao”.
Xã Vạn Phú có 80% dân số gắn bó với nông nghiệp, do đó, địa phương đã tập trung nghiên cứu, đưa ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đến nay, xã đã thực hiện chuyển đổi hơn 85ha đất trồng lúa kém hiệu quả của 261 hộ dân sang trồng rau màu, cây ăn quả phù hợp, cho năng suất, giá trị cao. Địa phương đã đưa vào sản xuất một số giống lúa mới chất lượng cao, như: ANS1, TBR97, BC15, BĐR999… với diện tích hơn 600ha đất lúa của 1.600 hộ; nhất là xây dựng khu sản xuất 10ha lúa được cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ người dân phát triển và nhân rộng mô hình chăn nuôi gà, bò, dê... Đồng thời, địa phương quan tâm phát triển một số ngành nghề, như: Chế biến lương thực, thực phẩm; mộc gia công; hàng mỹ nghệ mây, tre lá; bóc vỏ hạt điều, kết cườm…, giúp tạo việc làm cho hơn 400 lao động với thu nhập từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở lên; vận động được hơn 900 người tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn; đặc biệt, trên địa bàn xã có 3 sản phẩm là chả cá chiên, chả hấp (Cơ sở Chả cá Thuận) và nước yến Fly sure (Công ty TNHH Yến sào Fly) được công nhận OCOP 3 sao; 2 chủ thể trên đều có sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực… Cùng với đó, xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 1.878 lượt hộ vay vốn, với dư nợ hơn 57,3 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho 272 lượt hộ vay, với dư nợ hơn 41 tỷ đồng… Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn xã với mức hơn 52 triệu đồng/người/năm; đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của xã còn 2,83%...
Mặt khác, các trường học trên địa bàn xã đều được quan tâm đầu tư, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Đến nay, xã đã đạt chuẩn về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Các thiết chế văn hóa được đầu tư, nhất là các di tích lịch sử - văn hóa, căn cứ cách mạng, điểm công cộng được trùng tu, tôn tạo; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai lan tỏa, qua đó có 3.441/3.642 hộ đạt gia đình văn hóa. Toàn xã có hơn 96% người dân tham gia bảo hiểm y tế và hơn 90% người dân được quản lý về sức khỏe. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Đến hết năm 2022, xã Vạn Phú được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao và đang hướng đến phấn đấu đạt chuẩn xã Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Ông Ngô Hữu Nghiệp – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vạn Phú cho biết: “Sau khi được công nhận đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao, xã Vạn Phú sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tập trung đầu tư nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; khuyến khích các hình thức sản xuất phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Đồng thời, xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế; đảm bảo tốt an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân để phấn đấu đạt các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025”.
Vạn Phú đang ngày càng khởi sắc và đã trở thành xã Nông thôn mới nâng cao; đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Với truyền thống cách mạng của mình, tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân xã Vạn Phú sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng đưa quê hương Khởi nghĩa 14-8 ngày càng phát triển, ấm no, hạnh phúc và đạt chuẩn xã Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Thanh Hải – Tuyết Mai