Vừa sống sót trở về, anh Lê
Đình Anh, hiện đang sinh sống ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh
(Khánh Hòa) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại những ngày bị đối xử
như nô lệ ở trên tàu Hsieh Ta của Đài Loan (Trung Quốc). Mỗi ngày
làm quần quật 18 tiếng, ăn uống thiếu thốn, thường xuyên bị đánh
đập, ngược đãi... Không chịu được áp bức, ngày 8-8-2013, 4
người Việt Nam, trong đó có anh Lê Đình Anh đã nhảy khỏi tàu
tại vùng biển Tahiti (thuộc Pháp) với hy vọng được cứu sống.
Đánh người bằng cờ lê, mỏ lết
Sáng 15-8, ngôi nhà nhỏ của anh Lê Đình Anh (29 tuổi) ở thôn Xuân
Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh có rất đông người thân trong gia
đình, bà con, bạn bè đến thăm hỏi. Cha mẹ anh Lê Đình Anh mổ gà, đơm
xôi cúng ông bà mừng anh tai qua nạn khỏi sau khi trốn thoát khỏi
tàu cá Hsieh Ta.
Tháng 8-2012, biết Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động thương mại và du
lịch (CPXKLĐTM-DL) tuyển lao động nghề cá ở nước ngoài, nghĩ đây là cơ
hội tốt để giúp đỡ gia đình, anh Anh vay mượn được 14 triệu
đồng nộp hồ sơ dự tuyển. Trong đó, nộp cho Công ty CPXKLĐTM-DL 12,5
triệu đồng làm thủ tục, số còn lại làm lộ phí ra Hà Nội.
Công ty CPXKLĐTM-DL cho biết, lương của mỗi ngư dân là 400 USD/tháng,
trong đó gia đình nhận 350 USD, họ được 50 USD trên tàu, ăn uống chủ
tàu lo liệu.
Ngư dân Lê Đình Anh với nhiều vết sẹo chằng chịt trên cánh tay vì những trận đòn.
Ngày 20-12-2012, anh cùng một số ngư dân bay sang Hồng Kông, sau đó
một ngày được đưa lên tàu Hsieh Ta. Trên tàu có thuyền trưởng thường
gọi tên là Ta Cơ, máy trưởng là Ta Sơ người Đài Loan, 2 cai người
Trung Quốc là Ta Phu, Ơ Phu và 22 thuyền viên gồm 10 người Việt, 7
Indonesia, 3 Philippines, 2 Myanmar. Khoảng 18 ngày đầu trên tàu,
mọi việc đều bình thường, nhưng đến vùng câu, các ngư dân Việt
Nam thường xuyên bị đánh. Theo anh Anh, có 8 người làm việc trên
boong, 2 người làm dưới khoang máy. Do bất đồng ngôn ngữ, không
quen với công việc mới nên các ngư dân nhiều lúc làm không đúng
thao tác kỹ thuật. Khi đó các anh bị thuyền trưởng, máy trưởng và 2
cai lao vào đánh, đấm liên tục. Bị đánh nhiều nhất là các anh Lê
Thanh Thành (quê Quảng Bình), Hoàng Văn Hậu (quê Quỳ Châu, Nghệ An) làm
máy phụ. “Thành bị ông máy trưởng đánh đập dữ lắm. Đụng gì
đánh đó, đang cầm mỏ lết, cờ lê ổng cũng phang luôn. Nhiều lúc
mệt quá ngủ gục Thành bị túm tóc đập túi bụi vào thành
tàu làm rách da phần đầu, hộc máu mồm, máu mũi. Anh em phải
quỳ lạy, người ta mới chịu tha. Chịu không nổi, Thành xin lên
boong làm thợ câu. Sau đó đến phiên Hậu xuống làm thay Thành cũng bị
đánh đập. Chịu không nổi anh Hậu cũng xin lên boong, chịu trận
thay là 1 người Indonesia”- anh Anh kể lại.
Nói về trận đòn nhớ đời nhất, anh Anh cho biết: “Sau 3 tháng
sống trên tàu, 10 ngư dân Việt Nam chịu không nổi nên tập trung
trên boong xin nghỉ việc. Cai trưởng Ta Phu dùng tấm ván rộng
20cm, dài hơn 1m phang tới tấp xuống nhóm ngư dân; còn cai Ơ Phu
dùng gậy thúc vào bụng. Sau đó họ túm tóc anh Hậu bảo thích
về thì nhảy xuống biển mà về”. Theo anh Anh, không những bị
đánh đập, những ngư dân phải làm việc quần quật 18 giờ, chỉ
có 6 giờ nghỉ ngơi xoay vòng. Thức ăn thiếu thốn, không đủ
chất, mỗi bữa chỉ được ăn 10 phút, ai ăn chậm là chịu đói làm
việc. Nước tắm cũng không có, phải tắm nước mặn...
Liều mình nhảy tàu trốn thoát
Ngày 2-8, tàu Hsieh Ta được lệnh kéo tàu Lieu Hoa vào cảng Papeete trên
đảo Tahiti (thuộc Pháp) để sửa chữa. Các ngư dân Việt Nam bàn nhau tìm
cơ hội trốn. Rạng sáng ngày 8-8, khi tàu Hsieh Ta quay mũi ra khơi,
khi đó có 6 thuyền viên trên boong đã nhảy xuống biển, 4 người
còn lại ở dưới khoang nên không nhảy được. Anh Anh kể lại:
“Chúng tôi xác định đây là cơ hội cuối cùng để thoát khỏi nơi
khủng khiếp này vì tàu phải đi 1 - 2 năm nữa. Mang theo 1 quả
phao, 1 túi nilon đựng đồ, chúng tôi liều mình nhảy xuống biển,
nhằm hướng đất liền mà bơi. Hai người còn lại bơi không nổi nên
quay lại tàu”.
Sau khi bơi được khoảng 2 tiếng, các anh Lê Đình Anh, Hoàng Văn Hậu,
Nguyễn Văn Hùng (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Trần Văn Dũng (quê Quỳnh
Lưu, Nghệ An) được 1 tàu cảnh sát vớt lên. Một Việt kiều Pháp là
ông Jean Piere Lebrun, giảng viên đại học đã nhiệt tình giúp đỡ,
làm phiên dịch. Cảnh sát Tahiti cũng đuổi theo tàu Hsieh Ta để lấy
lại hộ chiếu của 4 ngư dân. Ngày 12-8, 4 ngư dân này đã được về lại
sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh. Anh được Công ty CPXKLĐTM-DL
cho 300.000 đồng mua vé về Khánh Hòa. Ngày 13-8, anh về với gia
đình ở thôn Xuân Đông, kết thúc chuyến biển phiêu lưu trên tàu cá
Đài Loan. Anh Lê Đình Anh cho biết: “Sau 8 tháng đi làm, tôi hầu
như trắng tay. Số tiền gia đình nhận được từ 4 tháng lương đầu
của tôi chỉ đủ trả nợ tiền vay nóng. Mong muốn của gia đình
là nhận được 4 tháng lương (350 USD/tháng) còn lại và 400 USD (8
tháng trên tàu)” - anh Anh nói.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, Công ty CPXKLĐTM-DL cho rằng, lý do
các ngư dân nhảy khỏi tàu là muốn tìm công việc khác ở cảng Papeete,
Tahiti. Trên tàu họ không bị đánh đập. Một cán bộ Cục Quản lý lao
động ngoài nước cho biết, Cục sẽ tiếp tục xác minh từ nhiều phía, khi có
kết quả đầy đủ sẽ thông tin chính thức vụ việc, đồng thời chỉ đạo biện
pháp giải quyết trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan. Nếu kết
quả xác minh cuối cùng không đúng như 4 thuyền viên phản ánh, chắc chắn
bất lợi sẽ thuộc về họ khi thanh lý hợp đồng. Theo đó, ngoài việc không
được hoàn trả chi phí môi giới, phí dịch vụ thời gian còn lại của hợp
đồng, các thuyền viên còn phải hoàn trả tiền vé máy bay (nếu doanh
nghiệp ứng tiền mua) và bồi thường hợp đồng. Nếu ngược lại, các doanh
nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường hợp đồng, buộc chủ tàu khôi phục
đầy đủ quyền lợi, hoàn trả các chi phí cho thuyền viên theo đúng quy
định.
Theo Báo Điện tử Khánh Hòa