Trung bình, mỗi ngày trên cả nước có 30 người chết do tai
nạn giao thông (TNGT), cộng lại mỗi năm có trên 1 vạn người chết và vài
chục ngàn người bị thương vì lý do không đáng có này.
Tính sơ qua, số người chết do TNGT một năm ở nước ta bằng số
người chết trong 120 cơn bão lớn, gấp gần 3 lần hậu quả cuộc chiến kéo
dài 7 năm ở I rắc.
Dù không bức xúc như nhiều địa phương khác nhưng trung bình mỗi năm
tại Yên Bái cũng có hàng trăm người chết, người bị thương do TNGT. Cụ
thể trong 7 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 45 vụ tai nạn giao
thông nghiêm trọng làm chết 43 người và hàng trăm người bị thương. Hậu
quả để lại ảnh hưởng lâu dài đến từng con người, từng gia đình và toàn
thể xã hội, là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo đối với những gia đình có
người bị tai nạn.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT như: cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng
yêu cầu, lưu lượng phương tiện tham gia lớn..., thì có một nguyên nhân
chủ quan hết sức quan trọng, đó là ý thức tham gia giao thông, cao hơn
có thể nói, văn hoá giao thông của chúng ta đang có vấn đề!
Điều này được chứng minh bởi tình trạng vi phạm Luật Giao thông
đường bộ gia tăng với các hành vi như: chạy quá tốc độ, sử dụng rượu,
bia, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm... Đặc biệt gần đây, các phương
tiện truyền thông liên tục đưa tin nhiều trường hợp người vi phạm bị
cảnh sát giao thông xử lý đã có hành vi xúc phạm, chống đối người thi
hành công vụ, như: lái xe húc vào cảnh sát, quát mắng, thậm chí cả một
thiếu nữ tuổi teen đã tát thẳng cánh vào mặt cảnh sát giao thông... phản
ánh một thực tế là: chúng ta đã thực sự xây dựng được "văn hóa giao
thông " chưa hay đã có nhưng nó đang bị "xuống cấp"?
Người ta nói rằng, muốn biết chất lượng giáo dục hãy ra ngoài đường.
Việc thiếu ý thức tôn trọng luật lệ giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu,
lạng lách… suy cho cùng cũng do giáo dục mà ra. Do vậy, bên cạnh việc
xây dựng chiến lược cơ sở hạ tầng giao thông dài hạn là quan trọng thì
việc nâng cao nhận thức của mọi công dân trong việc chấp hành luật lệ
giao thông cũng cần thiết không kém. Để giảm thiểu TNGT, Tháng an toàn
giao thông (ATGT) Quốc gia năm nay lấy chủ đề " Phòng chống uống rượu,
bia đối với chủ phương tiện khi tham gia giao thông". Đối với Yên Bái,
cùng với thực hiện chủ đề của cả nước, tỉnh xác định chủ đề Tháng ATGT
2011 là "Tháng văn hoá giao thông".
Vậy văn hoá giao thông là gì, thực hiện như thế nào? Bàn về văn hoá
có thể nói chúng ta động chạm tới vấn đề rất rộng, bởi văn hóa là khái
niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến
mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người, trong đó có văn
hoá ứng xử. Tùy từng quốc gia, dân tộc, vùng, miền… mà hình thành nên
những nét đẹp văn hoá, thể hiện đầu tiên văn hoá ứng xử.
Văn hoá giao thông qua góc độ văn hóa ứng xử, hiểu một cách nôm na,
đơn giản đó là: mỗi người khi tham gia trên đường cần có kiến thức về
Luật Giao thông đường bộ, chấp hành đúng pháp luật quy định khi tham gia
giao thông. Bởi, xét cho cùng, bản chất của pháp luật là để tôn vinh
những giá trị đạo đức, mà đạo đức là cái đẹp, cái thiện, vì vậy những
quy định của pháp luật hiểu theo một nghĩa nào đó cũng chính là văn hoá.
Vậy người tham gia giao thông có văn hoá chính là người có sự nhường
nhịn, không phóng nhanh vượt ẩu, không chở người quá quy định; không
lạng lách, đánh võng, không vượt đèn đỏ; không sử dụng bia rượu khi tham
gia giao thông; không buôn bán trên lòng đường, vỉa hè, không đỗ xe
đúng nơi quy định gây che khuất tầm nhìn; có sự phối hợp với cơ quan
chức năng khi thi hành nhiệm vụ... Trong tình huống xảy ra tai nạn, va
quệt không nên quá về vấn đề đúng, sai mà chú ý tới cái quan trọng là
sức khoẻ và tính mạng của con người.
Để có được văn hoá ứng xử khi tham gia giao thông, tạo sự chuyển biến
trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông không chỉ một thời gian ngắn,
trong một tháng phát động mà đòi hỏi cả một quá trình nỗ lực lâu dài,
trong đó, quan trọng nhất là giáo dục ý thức mỗi người, nhất là đối
tượng trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Cần thiết phải có các biện pháp
mạnh hơn nữa và việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm
giao thông không nên làm theo kiểu "chiến dịch". Khi cơ quan chức năng
làm theo "chiến dịch", rất dễ làm nảy sinh tâm lý đối phó ở người chấp
hành.
Hy vọng qua Tháng ATGT 2011 với chủ đề " Phòng chống uống rượu, bia
đối với chủ phương tiện khi tham gia giao thông" và "Tháng văn hoá giao
thông" sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực trật tự ATGT, để ATGT
trên địa bàn Yên Bái thực sự là hành phúc của mọi nhà, mọi người khi
tham gia giao thông trên đường!
Nguồn: Internet