Huyện Vạn Ninh có 365 hội viên nạn nhân chất độc da cam, cuộc sống gặp nhiều khó khăn; nhưng bằng ý chí và nghị lực, nhiều người đã vượt qua nỗi đau, chiến thắng đói nghèo, tạo dựng cuộc sống ngày càng khấm khá. Gia đình ông Nguyễn Đắc Khành ở xã miền núi Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh là một điển hình.
Bệnh tật hoành hành.
Năm 1971 người thanh niên Nguyễn Đắc Khành tham gia chiến trường tại Khe Sanh – Quảng Trị, nơi quân đội Mỹ thả hàng nghìn lít chất độc hóa học. Năm 1975 đất nước thống nhất ông trở về địa phương, gia tài còn lại chỉ là chiếc ba lô, nhưng mãi 14 năm sau ông mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam với những cơn tê buốt, đau nhứt hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng điều khiến ông đau lòng hơn cả, là người con trai trưởng của ông cũng bị chứng bệnh tâm thần phân liệt do di chứng của chất độc da cam. Ông tâm sự: “Cách đây mười mấy năm bệnh bắt đầu phát mạnh, tay chân làm việc rất khó khăn do bị tê buốt, nhất là vào ban đêm hay thời tiết thay đổi, thêm vào đó, con bị bệnh tâm thần, nhiều lúc tôi muốn ngã gục”.
Ông Nguyễn Đắc Khành đang làm vườn
Vượt lên nỗi đau phát triển kinh tế gia đình
Mặc dù nỗi đau về thân thể quá lớn, nhưng với ý chí của người lính, ông vẫn nén lòng, động viên vợ con quyết tâm xây dựng kinh tế gia đình. Năm 1986, ông đưa vợ con từ Thanh Hóa vào khu kinh tế mới Xuân Sơn. Do không có ruộng đất, nên để duy trì cuộc sống, ban ngày vợ chồng ông phải đi làm thuê kiếm sống, tối về khai hoang đất sản xuất. Với phương châm, lấy ngắn nuôi dài, ban đầu ông trồng bắp và mì. Khi có ít vốn tích lũy, ông thuê ruộng trồng lúa và mua trâu để làm dịch vụ cày đất ở địa phương. Nhận thấy cây mía thích hợp với vùng đất ở đây, năm 1989 ông đã mạnh dạn chuyển 4 ha đất sang trồng mía, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây mía nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Không dừng lại ở đó, ông còn đào ao thả cá và trồng 250 gốc dừa xiêm chuẩn bị cho thu hoạch.
Với sự cần cù chịu khó, không quản nắng mưa nên đất đã không phụ lòng người, đến nay hàng năm sau khi trừ hết chi phí gia đình ông thu nhập trên 70 triệu đồng, giải quyết thường xuyên cho 2 lao động mỗi tháng 3,6 triệu đồng/người.
Không những làm kinh tế giỏi, người hội viên chất độc da cam Nguyễn Đắc Khành còn đi đầu trong các phong trào ở địa phương, nhất là việc giúp các hội viên nghèo trong phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Đức Thụ - Chi hội trưởng chi hội chất độc da cam xã Xuân Sơn cho biết. “ Tuy là nạn nhân chất độc gia cam nhưng đồng chí rất cố gắng làm kinh tế, kinh tế gia đình của đồng chí được đánh giá là kinh tế giỏi cấp tỉnh; đồng thời rất năng nổ và luôn đi đầu trong phong trào giúp đỡ hội viên thoát nghèo, đồng chí cho những hội viên nghèo vay vốn không tính lãi để phát triển kinh tế”.
Vượt qua nỗi đau da cam, bằng ý chí và nghị lực của mình, ông Nguyễn Đắc Khành nạn nhân chất độc da cam đã vươn lên chiến thắng đói nghèo, trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi./.
T/h: Văn Dư