Theo ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND
xã Đại Lãnh, việc người dân tụ tập ngăn cản thi công đã diễn ra nhiều
lần. Những lần như vậy, địa phương phải huy động toàn bộ bộ máy để tuyên
truyền, vận động, nhưng nhiều người vẫn cố tình không nghe. Muốn chấm
dứt tình trạng này, chủ đầu tư phải sớm tìm biện pháp tháo gỡ, giải
quyết hài hòa quyền lợi của người dân.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đang hết sức lo lắng về việc
chậm trễ trong giám định thiệt hại công trình của nhà dân và bồi thường
của đơn vị bảo hiểm. Theo lãnh đạo UBND xã Đại Lãnh, từ đầu năm 2015 đến
nay, đã có gần 950 trường hợp (chủ yếu ở 3 thôn: Tây Nam 1, Tây Nam 2,
Tây Bắc 2,) có công trình bị ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án
này có đơn đề nghị giám định, bồi thường. Nhưng đến thời điểm hiện tại,
chỉ mới khoảng 50% trường hợp nhận tiền bồi thường, số còn lại chưa được
giám định hoặc tuy đã được giám định lần 1, thậm chí lần 2, nhưng vẫn
chưa đồng thuận.
Ông Trần Đình Thú cho biết, việc chậm trễ trong quá trình giám định, bồi
thường thiệt hại cũng như các bên chưa thống nhất mức bồi thường… khiến
địa phương gặp khó khăn trong công tác vận động, thuyết phục người dân.
Mặt khác, mùa mưa bão sắp đến, địa phương rất lo lắng cho tài sản, tính
mạng của người dân trước nguy cơ sạt lở đất, bởi phía đơn vị thi công
chưa hoàn thành hệ thống thoát nước dọc tuyến chính phía nam. Đoạn đường
này đã làm biến đổi hoàn toàn dòng chảy tự nhiên từ trên núi xuống,
trong khi đó dọc phía đông đoạn đường là những khu dân cư đông đúc.
Cần sớm tháo gỡ
Làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, lãnh đạo công ty cho rằng,
việc chính quyền địa phương lo ngại về tiến độ, ảnh hưởng đến vấn đề sạt
lở, thoát nước trong mùa mưa thì chủ đầu tư cũng đã tính đến. Trước
đây, người dân cũng đã nhiều lần ngăn cản thi công nhưng chưa ảnh hưởng
lớn đến tiến độ công trình. Thời gian gần đây, do phần thi công tuyến
chính phía nam hầm đèo Cả đang tập trung nên việc người dân ngăn cản đã
ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công trình, làm chậm quá trình hoàn
thành các hạng mục so với dự kiến.
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch
UBND huyện Vạn Ninh: Việc người dân cản trở thi công công trình là hành
vi vi phạm pháp luật. Huyện và xã Đại Lãnh sẽ tập trung đôn đốc, đề
nghị nhà đầu tư, đơn vị bảo hiểm giải quyết bồi thường đúng và đủ. Bên
cạnh đó, người dân phải chấp hành chủ trương của Nhà nước tạo điều kiện
cho đơn vị thi công sớm hoàn thiện công trình. Huyện cũng đôn đốc nhà
đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công trong quá trình thi công dự án phải tiến
hành khơi thông, nạo vét mương để đảm bảo thoát nước mưa; sớm hoàn chỉnh
thiết kế và thi công mương thoát nước bằng cao trình mặt bằng khu dân
cư hiện hữu trước mùa mưa bão sắp đến. |
Ông Đỗ Văn Nam - Phó Tổng Giám đốc Công
ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết: “Sau khi vận động được người dân,
đồng thời có sự trợ giúp của chính quyền trong việc bảo vệ thi công,
chúng tôi sẽ bố trí thêm nhiều phương tiện máy móc và nhân lực để tăng
hiệu suất công việc, gấp rút thi công cho công trình đạt được khối lượng
như dự tính ban đầu. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng đã thành lập ban
phòng, chống lụt bão của dự án để kịp thời ứng phó với những hiện tượng
bất thường của thời tiết nhằm bảo vệ công trình và khu dân cư. Các mái
taluy sẽ được gia cố để tránh tình trạng sạt lở vào nhà dân. Đối với hệ
thống thoát nước, ngoài việc xây dựng các hệ thống chính, chúng tôi sẽ
xây dựng các hệ thống thoát nước tạm thời nhằm đảm bảo tiêu nước trong
mùa mưa”.
Liên quan đến công tác bồi thường, ông Vũ Văn Phi - Phó Giám đốc Ban
quản lý Dự án Hầm đường bộ đèo Cả cho biết: “Thực ra, công tác bồi
thường không chậm, nhưng do khi có kết quả giám định và người dân không
chịu mức bồi thường do phía bảo hiểm đưa ra nên mới như vậy. Chính sách
bồi thường được chúng tôi thực hiện theo chính sách chung của Nhà nước.
Tất cả tiền bồi thường phải căn cứ trên kết quả giám định thiệt hại của
công ty bảo hiểm. Nhưng thực tế, người dân ở dự án nào cũng vậy, tiền
bồi thường mà chủ đầu tư đưa ra khó làm họ hài lòng. Để giải quyết dứt
điểm tình trạng này, nếu trường hợp nào không chấp nhận kết quả giám
định, chúng tôi sẽ kiến nghị chuyển cho đơn vị giám định độc lập của
UBND tỉnh để giám định lần cuối và đưa ra kết quả để có cơ sở chi trả
tiền bồi thường”.
Có thể thấy, hiện nay, Dự án Hầm đường bộ đèo Cả còn khá nhiều vướng
mắc. Để giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân cũng như tạo điều
kiện cho chủ đầu tư, thời gian tới, chính quyền các cấp cũng như Công ty
Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cần có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong
việc xử lý các vấn đề vướng mắc. Người dân cũng phải tin tưởng vào chính
quyền, không nên có những hành vi sai trái, tất cả mọi vấn đề phải được
giải quyết dựa trên quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa