Không chỉ ở Vạn Ninh, thời gian qua,
nhiều công trình thư viện, tủ sách cho học sinh đã được triển khai tại
nhiều địa phương khó khăn trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp khai giảng năm học
2016 - 2017, Báo Khánh Hòa đã tặng học sinh Trường Tiểu học Sơn Thái
(huyện Khánh Vĩnh) 8 tủ sách với gần 2.000 cuốn sách gồm các thể loại:
giáo khoa (lớp 1), tham khảo, lịch sử, văn học, truyện tranh... Đây là
hoạt động nằm trong chương trình “Tủ sách lớp em” của đơn vị nhằm giúp
các học sinh địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận
nhiều hơn với kiến thức mới, nâng cao tinh thần học tập cho các em.
Trước đó, đơn vị đã tặng 8 tủ sách với gần 2.000 cuốn sách cho học sinh
Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju (huyện Cam Lâm).
Nhiều nhóm thiện nguyện, tổ chức xã hội cũng đã thực hiện nhiều công
trình sách đọc cho học sinh vùng khó khăn. Có thể kể đến công trình thư
viện sách cho trẻ em tại Nhà nội trú Phanxicô (xã Suối Cát, huyện Cam
Lâm) với gần 1.000 cuốn sách các loại của nhóm thiện nguyện Haly Hely;
nhóm Ước mơ Việt tặng 500 cuốn sách, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Trường THCS Cao Văn Bé (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh); chương trình Tủ
sách ước mơ của các chi đoàn: Công ty Thương mại Khatoco, Công ty Cổ
phần Đông Á, Trung tâm Giống đà điểu Khatoco thực hiện tại mái ấm chùa
Phật Bửu (thị xã Ninh Hòa)…
Cần nhân rộng mô hình
Tuy các công trình được các đơn vị, tổ chức thực hiện với nhiều hình
thức khác nhau, nhưng đều có điểm chung là hiệu quả mang lại rất thiết
thực. Những học sinh ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa có được
cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với sách, tạo cho các em thói quen đọc sách.
Các mô hình cũng được ban giám hiệu các trường ủng hộ. Thầy Trần Văn
Khang - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Thọ 2 chia sẻ: “Trường chúng
tôi có 3 điểm trường, điểm trường số 2 và 3 chưa có thư viện nên học
sinh chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với sách. Khi được trang bị khu
đọc sách cùng nhiều sách mới, các em rất thích thú”. Thầy Đinh Như Thu -
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thái cho biết, điều kiện học tập của
học sinh của trường chưa được đầy đủ như học sinh vùng đồng bằng, vì thế
việc trang bị tủ sách cho các em là hoạt động ý nghĩa, giúp học sinh có
cơ hội tiếp cận với tri thức.
Theo ông Hà Văn Thông -Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và
Đào tạo), hàng năm, sở đều có kế hoạch triển khai tại các địa phương
những mô hình đọc sách như Thư viện xanh, Thư viện thân thiện cho học
sinh. Nhìn chung, đa số các trường đều thực hiện tốt, tuy nhiên, một số
trường còn gặp khó khăn trong triển khai. “Nhờ các công trình thiết thực
mà các cấp bộ Đoàn, tổ chức xã hội thực hiện trong thời gian qua, học
sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã có cơ hội tiếp cận với sách
nhiều hơn. Tôi hy vọng những mô hình thiết thực này sẽ được duy trì và
nhân rộng ở nhiều địa phương” - ông Thông nói.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa