Khi chúng tôi đến, ông Lê Quốc Huy đang
gia cố các lồng nuôi 3.000 con tôm hùm ở Đầm Môn. Ông cho hay, mấy ngày
nay nghe đài báo mưa bão nên ông và người làm thức trắng đêm để lo cho
bè tôm hùm. Điều khiến ông Huy lo lắng hơn cả trong quá trình nuôi là
tình trạng tôm bị bệnh chết và giá cả lên xuống thất thường.
Chung nỗi lo, ông Trịnh Văn Tèo, hộ nuôi tôm ở thôn Đầm Môn cho biết:
“Mỗi năm, gia đình tôi thả nuôi khoảng 2.500 con tôm hùm trong 30 ô. 2
năm trở lại đây, tỷ lệ hao hụt lên đến 35 - 40%. Đã thế, giá tôm thương
phẩm rất thất thường, bây giờ đang ở mức 1,8 triệu đồng/kg, nhưng có khi
rớt xuống còn khoảng 1,3 - 1,4 triệu đồng/kg”. Theo lý giải của ông
Tèo, các loại bệnh sữa, đỏ thân làm tôm chết rải rác những năm qua.
Nguyên nhân có thể do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, chất lượng thức
ăn cho tôm không đảm bảo, mật độ nuôi dày đã khiến các loại bệnh lây
lan.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Vạn Thạnh là địa phương tập trung nhiều
bè nuôi tôm hùm nhất của huyện Vạn Ninh với hơn 3.400 lồng nuôi. Nghề
nuôi tôm hùm đã mang lại đời sống tốt hơn cho nhiều người dân địa
phương. Tuy nhiên, hiện nay, nghề nuôi này đã nảy sinh một số bất cập
như: dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước, việc tiêu thụ…
Định hướng để phát triển nghề nuôi tôm hùm
Khánh Hòa hiện nay là tỉnh dẫn
đầu cả nước về số lồng nuôi tôm hùm với hơn 28.500 lồng, chiếm hơn 40%
tổng số lồng nuôi, sản lượng trên dưới 1.000 tấn/năm. Để phát triển nghề
nuôi tôm hùm bền vững, tỉnh đã có nhiều quy định trong quản lý nuôi
như: quy định về thiết kế lồng bè; phân vùng nuôi theo quy chuẩn
VietGAP; khuyến khích người dân sử dụng thức ăn công nghiệp nhằm hạn chế
ô nhiễm môi trường; tăng cường các biện pháp giám sát vùng nuôi để có
cảnh báo kịp thời cho người nuôi về nguy cơ dịch bệnh… |
Hiện nay, nghề nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh
đối mặt với nhiều yếu tố không bền vững như: nguồn con giống phụ thuộc
vào đánh bắt tự nhiên; thức ăn cho tôm là cá, thủy sản tạp nên tiềm ẩn
nhiều nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, đầu ra lệ thuộc vào việc xuất khẩu
theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, chưa có thị trường chính ngạch
nên giá cả bấp bênh, người nuôi dễ thua lỗ khi thị trường biến động.
Ngoài ra, hầu hết các lồng nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh hiện nay tập trung ở
vùng ven bờ, đầm, đảo nơi kín gió, cục bộ ở nhiều vị trí, mật độ nuôi đã
vượt ngưỡng cho phép. Một vấn đề khác tồn tại lâu nay là người nuôi
chưa chú trọng đến việc vệ sinh trong và ngoài khu vực vùng nuôi; chưa
tổ chức thu gom rác tập trung, xả thức ăn thừa, tôm bệnh chết xuống khu
vực lồng bè gây ô nhiễm và ảnh hưởng xấu đến môi trường nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, tôm hùm là
đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người dân ven biển
Vạn Ninh. Những năm qua, UBND huyện đã có nhiều chính sách để phát triển
nghề nuôi có thế mạnh này; ngành chức năng của huyện đã có quy hoạch
chi tiết cho các vùng nuôi tôm, trong đó chú trọng hướng dẫn kỹ thuật
nuôi, phòng trị bệnh cho tôm… “Để phát triển bền vững, huyện Vạn Ninh
đã có định hướng đối với nghề nuôi tôm hùm trong giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, địa phương xác định sẽ giải tỏa khu vực nuôi ở Đầm Môn (Vạn
Thạnh), lạch Cửa Bé (vịnh Vân Phong) để sắp xếp lại vùng nuôi ở 3 khu
vực, gồm: lạch Cổ Cò (vịnh Vân Phong), khu vực các đảo giữa vịnh Vân
Phong và ven bờ Xuân Tự (xã Vạn Hưng). Theo đó, toàn huyện sẽ phát triển
478 bè nuôi tôm hùm với tổng số 11.800 lồng nuôi, hơn 1.500 hộ tham
gia. Bên cạnh việc rà soát, quy hoạch lại vùng nuôi, huyện còn khuyến
cáo người nuôi tôm sử dụng thức ăn công nghiệp để tránh ô nhiễm môi
trường, tuân thủ các quy định về quản lý môi trường nuôi để đảm bảo sản
xuất ổn định; mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; thường xuyên
giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để có cảnh báo kịp thời về nguy cơ dịch
bệnh…”, ông Ý cho hay.
Nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa