Với
những thông tin về công dụng kỳ diệu của cây “thần dược” này, có không
ít người dân đang săn lùng và tìm mua, xin giống về trồng 1 cây trong
nhà để tự chữa bệnh. Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang, loại cây này
được người dân trồng rất nhiều trong các thùng xốp, chậu kiểng… bởi
chúng rất dễ sống, chỉ cần dâm cành khoảng 1 tuần sau đã có thể hái lá
để sử dụng.
Thực hư về loại cây được cho là “thần dược”
Tiến
sĩ Nguyễn Thướng - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, đây là cây lá
đắng, dân gian gọi là cây mật gấu hay cây kim thất tai. Cây này có tên
khoa học là Vernonia Amygdalina Asteraceae, thuộc họ cúc, thân mềm,
người dân chủ yếu sử dụng lá. Tin đồn lá cây này chữa được bách bệnh chỉ
là sự truyền miệng trong dân gian. Bởi hiện nay, chưa có công trình
nghiên cứu hay báo cáo chính thống nào của ngành Y tế về tác dụng của
loại cây này. Đồng thời, trong danh mục thuốc đông y do Bộ Y tế ban hành
(5 năm bổ sung 1 lần) cũng chưa có loại cây mật gấu. Tiến sĩ Thướng
chia sẻ: “Tuy loại cây này không nằm trong danh mục cây thuốc do Bộ Y tế
công bố, nhưng không có nghĩa nó không có tác dụng phòng và trị bệnh.
Kinh nghiệm dân gian thường rất hay, nên chúng ta cũng phải tôn trọng,
tiếp thu, nghiên cứu. Nhưng với tin đồn cây mật gấu là cây “thần dược”
chữa bách bệnh thì không thể tin được, vì hiện nay trên thế giới vẫn
chưa có một loại cây thuốc nào chữa được bách bệnh”.
Cũng
theo Hội Đông y tỉnh, loài cây mật gấu được trồng nhiều ở các tỉnh miền
Tây. Lá cây có vị đắng, cùng họ cây Artiso. Thường cây có vị đắng đều
có tác dụng nhuận gan, lợi mật. Thời gian qua, Hội Đông y chưa tiếp nhận
và phát hiện trường hợp người dân sử dụng cây mật gấu bị biến chứng hay
tử vong. Trước nhu cầu người dân đang “săn lùng” và sử dụng phổ biến
loại cây này, Hội Đông y tỉnh đã chủ động lấy giống, phân phát cho các
hội cấp huyện trồng để cùng nghiên cứu. Đồng thời, hội đã kiến nghị các
ngành chức năng sớm lấy mẫu cây mật gấu để nghiên cứu về tác dụng đích
thực của loại cây này.
Tiến
sĩ Thướng khuyến cáo, do chưa có nghiên cứu về tác dụng của loại cây
này nên người dân cần thận trọng khi sử dụng. Việc người dân sử dụng
thuốc đông y hay tây y để chữa bệnh cần tuân theo phương pháp điều trị
của thầy thuốc và không nên sử dụng theo tin đồn miệng kẻo rước họa vào
thân.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Khánh Hòa