Phó Thủ trướng cũng yêu cầu, địa phương khẩn trương sơ tán những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm; đồng thời ra soát lại nhưng nơi có nguy cơ sạt lỡ để cương quyết đưa dân ra vùng an toàn. Thời gian tới, mưa vẫn còn diễn ra trên diện rộng và sẽ gây ngập úng cho nhiều nơi, vì vậy các địa phương phải khẩn trương có phương án hỗ trợ người dân, đảm bảo tính mạng cho nhân dân. Ngành Giao thông, Công an phải đảm bảo cho giao thông được thông suốt. Tập trung tiêu nước, chặt bỏ cây xanh, xử lý khu vực đường điện bị đổ ngã chia cắt giao thông. Vấn đề bảo đảm hồ đập phải được đặt lên hàng đầu và có sự điều tiết nước phù hợp, an toàn, tránh ảnh hưởng đến hạ lưu. Khi bão lũ đi qua, tập trung lực lượng khắc phục những hư hỏng về trường học, bệnh xá, công trình công cộng, dịch vụ, nhà cửa của nhân dân. Bên cạnh đó, sớm tổng hợp những thiệt hại do bão lũ gây ra báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải dành phần lớn sự hỗ trợ cho người dân. Không để người dân bị đói, khát, thiếu nơi ở an toàn.
Ông Lê Đức Vinh cho biết, đợt mưa bão thời gian qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là Nha Trang, Ninh Hòa và Vạn Ninh. Mặc dù bão đã suy yếu, tuy nhiên chiều tối nay và những ngày tiếp theo trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa rất to trên diện rộng. “Vì vậy, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, tôi đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung sơ tán người dân ở những vùng có nguy cơ bị ngập lụt đến nơi ở an toàn. Đề nghị các lực lượng chức năng, nhất là quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích khẩn trương thực hiện các biện pháp giúp nhân dân chống đỡ, gia cố nhà cửa, nhằm đảm tính mạng cho người dân. Đối với những hộ có người bị chết, địa phương phải lo công tác mai táng; những hộ có nhà bị sập thì phải đảm bảo lương thực, nước uống, nơi ở cho bà con. Đặc biệt, không cho người dân quay về nơi ở cũ khi còn mưa to, gió lớn. Các ngành chức năng khẩn trương sửa chữa lưới điện, giao thông, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo đời sống cho bà con. Ngành y tế cần chuẩn bị để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi nước rút”, ông Lê Đức Vinh chỉ đạo.
Gần 100 người nuôi trồng thủy sản còn trên biển
Lãnh đạo huyện Vạn Ninh cho biết, hiện tại toàn huyện còn gần 100 người nuôi trồng thủy sản đang còn lênh đênh trên biển. Địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để tìm cách liên lạc sớm đưa những người này vào bờ an toàn.
Được biết, đây là những chủ bè, những lao động trên bè nuôi trồng thủy hải sản do tài sản lồng bè lớn nên đã tìm cách ở lại. Tuy nhiên do cơn bão quá lớn, toàn bộ lồng bè trên biển đều bị cuốn trôi, hư hỏng. Nhiều người đã kịp vào trú ở một số đảo, tuy nhiên cũng một số người không kịp vào bờ, còn lênh đênh trên biển.
Huyện đã liên hệ nhiều cơ quan chức năng để tìm cách cứu hộ cứu nạn nhưng do sóng lớn, các tàu thuyền không thể ra khơi để triển khai tìm kiếm cứu hộ. Trước tình hình cấp bách, cứu người được đặt lên hàng đầu, Bí thư Huyện ủy Võ Hoàn Hải và Chủ tịch UBND huyện Trần Kim Bảo đã trực tiếp liên hệ với lực lượng cảnh sát biển; cụ thể là Hải đội 302 để cứu viện. Vào 14 giờ ngày 4-11, Hải đội 302 đã đồng ý điều 2 tàu lớn ra khơi để tìm kiếm cứu nạn, huyện Vạn Ninh cắt cử người đi cùng để có thể tiếp cận, tìm kiếm dễ dàng hơn.
Một người thân của người bị mất tích cho biết, gia đình nuôi trồng thủy sản ngoài khơi, khu vực thị trấn Vạn Giã. Số lồng bè lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Khi nghe cơn bão vào, gia đình hết sức lo lắng nên đã huy động thêm người thân ra gia cố giữ lồng bè. “Lúc mới ra khơi, trời yên biển lặng, gió nhẹ, chúng tôi nghĩ là không sao. Tuy nhiên đến đêm mưa bắt đầu lớn, gió thổi mạnh, bão vào nên đã không kịp trở tay. Mọi liên lạc với những người trên lồng bè hiện giờ không thể thực hiện được. Tôi và chồng trực tiếp lên UBND huyện cầu cứu. Mong rằng, địa phương sớm cùng với các ngành chức năng điều tàu cứu người thân trong gia đình tôi”, người phụ nữ trung tuổi, mắt ngấn lệ nói.
Trích nguồn: Báo điện tử Khánh Hòa