Mô hình Khu bảo vệ (KBV) hệ sinh thái biển (HSTB) Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là mô hình quản lý tổng hợp đới bờ cơ sở có hiệu quả theo mô hình PEMSEA (Chương trình Hợp tác về quản lý môi trường các biển Đông Á). Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức phi chính phủ, mô hình này đã làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng trong khu vực và bảo vệ được tính đa dạng sinh học.
Rạn Trào có rạn san hô gần bờ với diện tích 28ha thuộc vịnh Vân Phong; có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng với 145 loài thực vật phù du, 115 loài động vật phù du, 190 loài động vật đáy mềm, 5 loài cây ngập mặn, 6 loài cỏ biển, đặc biệt có 82 loài san hô, 69 loài cá và 25 loài động vật không xương sống trú ngụ và kiếm ăn trong khu vực.
|
Dọn vệ sinh bãi biển. |
Trước tình hình suy thoái môi trường và suy giảm nguồn lợi, từ năm 2001, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), tiền thân là Liên minh Sinh vật biển quốc tế (IMA) đã hỗ trợ địa phương xây dựng dự án thí điểm Khu bảo tồn biển Rạn Trào. Sau khi kết thúc dự án, năm 2004, chính quyền và người dân địa phương vẫn tiếp tục duy trì mô hình nhưng gặp nhiều khó khăn. MCD đã kết nối các dự án khác để tiếp tục hỗ trợ địa phương thực hiện mục tiêu bảo vệ rạn san hô và nguồn lợi thủy sản trong khu vực.
Rạn Trào có tổng diện tích gần 90ha, trong đó vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt 54ha. Theo chu trình do PEMSEA đề xuất, dự án đã hoàn thành 6 bước của chu trình và đang bước vào chu trình thứ hai. Giai đoạn 1 (chuẩn bị): Dự án xây dựng bộ máy thành viên là cán bộ, người dân huyện và xã. IMA giữ vai trò điều phối. Dự án triển khai đào tạo, tập huấn, điều tra kinh tế - xã hội, đa dạng sinh học biển; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường và nguồn lợi thông qua “Ngày làm sạch biển quốc tế”, nuôi các loài 2 mảnh vỏ, thi tìm hiểu môi trường biển... Giai đoạn 2 (khởi động): Triển khai tập huấn, điều tra, thu thập dữ liệu, phân tích, tổng hợp, đánh giá ban đầu cùng với các hoạt động làm sạch biển, trồng rừng ngập mặn, thành lập tổ thu gom rác... Giai đoạn 3 (xây dựng): Từ ý tưởng cộng đồng, đề xuất góp ý của cơ quan chức năng, chính quyền huyện và MCD hoàn thành bản đề xuất dự án Khu bảo tồn biển Rạn Trào, xây dựng quy chế, triển khai các nội dung liên quan như: thành lập nhóm hạt nhân, nhóm tuyên truyền, nhóm xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý 2 năm 2009 - 2010... Giai đoạn 4 (phê duyệt): Đề xuất thiết lập tính pháp lý KBV, kế hoạch hành động, cơ cấu tổ chức quản lý KBV Rạn Trào được UBND tỉnh và huyện Vạn Ninh phê duyệt. Giai đoạn 5 (triển khai): Ra mắt KBV Rạn Trào, thành lập Ban quản lý KBV HSTB, giám sát nguồn lợi, tái tạo rạn san hô, xác định ranh giới, thực thi quy chế, truyền thông theo chủ đề, đào tạo, tập huấn theo chủ đề, thành lập Trung tâm Giáo dục môi trường cộng đồng, thử nghiệm sinh kế, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm các địa phương khác trong cả nước... Giai đoạn 6 (sàng lọc): Đánh giá nhận thức, đánh giá sinh học và kinh tế - xã hội, bàn giao KBV HSTB Rạn Trào cho địa phương, điều chỉnh quy chế; điều chỉnh, bổ sung Ban quản lý, nhóm hạt nhân...
|
Thả bù xác định ranh giới vùng bảo vệ. |
Theo đánh giá của Ban quản lý KBV HSTB Rạn Trào, thời gian qua, nhìn chung độ bao phủ của san hô không thay đổi nhiều. Kết quả khảo sát bước đầu ghi nhận 28 giống san hô cứng, 3 giống san hô mềm. Cá rạn mật độ tăng, xuất hiện nhiều loài kích thước lớn và phục hồi 2 loài ở địa phương. Trong khi số lượng, kích thước cá rạn san hô ở vùng bảo vệ gia tăng thì vùng ngoài khu vực bảo vệ lại bị suy giảm. Nhận thức cộng đồng được nâng lên từ ý thức bảo vệ môi trường biển đến bảo vệ nguồn lợi, đa dạng sinh học; người dân không còn xả chất thải sản xuất và sinh hoạt làm ô nhiễm môi trường biển. Tình trạng khai thác hủy diệt cơ bản được xóa bỏ (đánh mìn, thuốc nổ, xianyua, xung điện...). Ban quản lý KBV HSTB Rạn Trào, Trung tâm Giáo dục môi trường cộng đồng, các nhóm cộng đồng chuyên trách hoạt động có hiệu quả. Cơ chế điều phối, hợp tác giữa các ngành, cơ quan liên quan từ tỉnh đến xã vận hành ổn định. KBV HSTB Rạn Trào thu hút nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế đến nghiên cứu...
Ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, sau hơn 10 năm triển khai dự án xây dựng KBV HSTB Rạn Trào, mô hình đã thu được kết quả ý nghĩa như: Bảo tồn được nguồn lợi và đa dạng sinh học trong khu vực (lượng bào ngư nuôi thả phát triển tốt; nhiều loài thủy sản đến cư trú, sinh sản như: cá nhái, ốc nhảy, đặc biệt là phát triển rong tại các bãi ngang...); nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, không khai thác hủy diệt làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản... Tuy nhiên, việc duy trì mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí duy trì hoạt động của nhóm hạt nhân; hao hụt các dụng cụ đánh dấu vùng ranh giới... Việc xác định lấy nguồn lợi Rạn Trào để nuôi mô hình là không thể, bởi sẽ tạo tiền lệ cho các đối tượng lợi dụng khai thác; việc phát triển du lịch đòi hỏi phải đầu tư cơ sở hạ tầng, rất tốn kém; các mô hình sinh kế còn nhiều hạn chế... Nhà đầu tư MCD đang cùng với xã, huyện tháo gỡ để mô hình tiếp tục duy trì, phát triển theo chu trình mới bền vững hơn...
Theo Báo điện tử Khánh Hòa