Năm 2017, Hội Cựu chiến binh xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh đã xây dựng mô hình “Bò giống trao tay” bằng nguồn đóng góp của hội viên. Qua gần 2 năm triển khai, mô hình này đã đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan, tạo niềm tin, sự phấn khởi cho hội viên góp phần nâng cao chất lượng phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo và làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Tháng 7 năm 2017, gia đình Cựu chiến binh Lương Đình Thảo (thôn Xuân Thọ, xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh) được nhận bò giống từ chương trình “Bò giống trao tay” của Hội Cựu chiến binh xã Xuân Sơn; ông xác định, được Hội tín nhiệm giao nuôi dưỡng bò giống từ sự đóng góp của cán bộ, hội viên là niềm vinh dự cũng là trách nhiệm của bản thân và gia đình. Dù tuổi cao đã gần 70 nhưng ông và gia đình luôn nỗ lực nuôi dưỡng, chăm sóc để bò phát triển tốt; đến nay bò giống đã mang thai dự kiến khoảng cuối tháng 5 sẽ cho ra đời bê con mang lại niểm vui, phấn khởi không chỉ riêng ông còn là của các thành viên trong gia đình. Cựu chiến binh Lương Đình Thảo chia sẻ: ”Đây là mô hình đầu tiên của huyện, lúc đầu nhận bò giống cũng suy nghĩ tuy rất nhiều, làm thế nào để bảo toàn đồng vốn của đồng đội, anh em đã tín nhiệm cho giao cho mình”
Còn đối với gia đình Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba, thôn Xuân Trang, xã Xuân Sơn thì niềm vui lại càng lớn hơn khi con bò giống được Hội Cựu chiến binh xã Xuân Sơn giao sau gần 2 năm nuôi dưỡng đã sinh sản. Do gia đình không có đất sản xuất, kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc làm thợ hồ của Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba với thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày của anh nên được giao bò giống sẽ giúp gia đình có điều kiện phát triển kinh tế trong thời gian tới. Đưa chúng tôi đến khu vực chăn thả dễ dàng nhận thấy chú bê con được 2 tháng tuổi khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Đó là thành quả cho những nỗ lực chăm sóc, thực hiện trách nhiệm của gia đình đối với sự tin tưởng của Hội khi được giao bò giống để nuôi dưỡng. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba cho biết thêm: “Sau khi bê con ra đời, gia đình nhận lại bò mẹ và cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng bê con cho tốt để giao cho gia đình hội viên khó khăn khác. Cứ như vây xoay vòng nhằm giúp đỡ các hội viên khó khăn phát triển kinh tế, xây dựng hội vững mạnh”
Hội Cựu chiến binh xã Xuân Sơn hiện có 84 hội viên, nhưng trong đó 40% số hội viên đã cao tuổi và 90% làm nông nghiệp. Những năm qua, hội viên của Hội tiếp tục phát huy tinh thần “Bộ đội cụ Hồ” tích cực tham gia phát triển sản xuất vì vậy đời sống phần lớn hội viên được nâng cao tuy nhiên vẫn còn hội viên khó khăn. Vì thế, việc chọn mô hình thích hợp, phát huy tính hiệu quả trong triển khai phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi luôn là nỗi trăn trở của Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Xuân Sơn cũng như các hội viên. Và sau quá trình nghiên cứu, khảo sát về điều kiện thực tế tại địa phương cũng như nắm bắt tâm tư nguyện vọng của toàn thể hội viên, được cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ; giữa năm 2017, Hội Cựu chiến binh xã đã quyết định chọn mô hình “Bò giống trao tay” để triển khai. Ban đầu, Hội đã vận động toàn thể hội viên đóng góp được 22 triệu đồng, mua 2 con bò giống giao cho 2 gia đình hội viên nuôi, với hình thức “hưởng bò mẹ, chuyển bò con”. Qua gần 2 năm triển khai với sự nỗ lực nuôi dưỡng chăm sóc của hội viên được nhận bò giống, mô hình đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, tạo nên niềm tin, sự phấn khởi của toàn thể hội viên và được cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như tổ chức hội cấp trên đánh giá cao về tính sáng tạo, phù hợp với điều kiện của địa phương và hiệu quả mang lại. Ông Lường Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh nói: “Để nhân rộng mô hình này, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục giao 2 con bò cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn chăm sóc trong đó 1 con mua từ sự vận động, đóng góp của cán bộ, hội viên và con còn lại là sản phẩm từ đợt trao bò giống đầu tiên”.
Hiệu quả của mô hình “Bò giống trao tay” của Hội Cựu chiến binh xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh đã góp phần nâng cao chất lượng phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo và làm kinh tế giỏi tại địa phương đồng thời đã thể hiện nghĩa tình đồng đội của “Bộ đội cụ Hồ” trong thời bình qua việc giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và đây cũng là mô hình hay để các cơ sở Hội nghiên cứu, học hỏi từ đó nhân rộng thực hiện sao cho phù hợp với từng địa phương.
Th: Thanh Hải.