Được biết đến với nghề truyền thống lâu đời, gần 30 năm trước nghề trầm hương luôn nhộn nhịp ở một vùng quê tại thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh. Qua bao thăng trầm, đến nay thôn Phú Hội 1 đã được tỉnh công nhận làng nghề soi trầm, từ đó nghề này phát triển mạnh hơn, sản phẩm làm ra được biết đến nhiều hơn. Điều đáng nói nhờ nghề gia công xoi trầm mà nhiều hộ gia đình ở nơi đây từng bước thay đổi đời sống kinh tế gia đình, vươn lên trở thành hộ khá giả.
Trước đây, thôn Phú Hội 1 xã Vạn Thắng chỉ có vài ba hộ làm trầm nhỏ lẻ, nguồn nguyên liệu cây gió bầu để làm chủ yếu thu mua, vận chuyển từ núi rừng Vạn Ninh và các huyện lân cận. Sau nhiều năm nguồn gió bầu khan hiếm, cây gió bầu được mua ở các tỉnh, thành miền trung và phía bắc. Nhờ phát triển rầm rộ nên nghề soi trầm cũng giúp nhiều hộ có công việc làm ổn định, thu nhập vì thế cũng dần cải thiện. Hộ gia đình anh Phạm Quang Giản, thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng gắn bó với nghề tạo trầm đã gần 15 năm nay, bởi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên hàng ngày sau 7 giờ sáng anh bắt đầu chuẩn bị dụng cụ như đá mài, dũm, keo kết dính để tạo trầm cảnh. Trò chuyện với chúng tôi, anh Giản cho biết để làm một cây trầm cảnh hoàn chỉnh cỡ to phải mất hơn 1 tháng, còn làm các loại trầm mỹ nghệ như vòng đeo tay, tiểu cảnh…thì thời gian ngắn hơn khoảng 1 tuần. Bình quân nếu một tháng có nhiều đơn đặt hàng làm trầm cảnh, thu nhập mang lại cho gia đình anh khá cao. Anh Phạm Quang Giản, thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh nói: “Nếu nghề này làm công thì bình quân 1 ngày thu nhập trên 200 ngàn đồng, còn thu mua gió bầu về làm thành phẩm bán cho khách thì lãi một ngày từ 400 đến 600 ngàn đồng. Nói về gia công một tác phẩm cây trầm hương, tùy theo tác phẩm cỡ to hay cỡ nhỏ. Cỡ nhỏ như gia công vòng đeo tay, bonsai trưng cảnh thì làm khoảng 1 tuần, còn sản phẩm trầm cảnh với công đoạn tỉ mĩ hơn thì phải mất thời gian 1 tháng.
Qua quan sát của chúng tôi, hiện nay phần lớn các hộ ở thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng đều làm nghề trầm hương, có hộ thì nhận sản phẩm về nhà làm công, hộ nào khá hơn thì chuyên thu mua cây gió bầu về tạo trầm cảnh, gia công vòng đeo tay, tiểu cảnh bonsai trang trí để bán cho khách tiêu dùng, hoặc khách du lịch. Điều đáng nói, từ nghề soi trầm này đã giúp cho nhiều lao động nông thôn có thêm công việc làm để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Thái đang làm công tại hộ gia đình ông Trần Công Đức, cho biết kinh nghiệm soi trầm của bản thân gần 30 năm, anh Thái vừa trò chuyện vừa soi trầm không ngơi nghỉ, với 2 bàn tay thoan thoắt xỉa từng miếng vỏ, lụa bên ngoài cây gió bầu. Anh Nguyễn Văn Thái, người làm trầm thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng chia sẻ: “Nói chung cái nghề này tôi làm 30 năm nay rồi, chủ yếu bỏ cái công của mình làm để kiếm thu nhập. Cũng nhờ làng nghề này mà cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định, đầy đủ.”
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay toàn thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh có gần 200 hộ gia đình gia công cây gió bầu. Những năm qua được sự quan tâm hỗ trợ tập huấn, đào tạo nghề xoi trầm của các cấp, ngành nên người dân có điều kiện tiếp cận với nghề này ngày càng nhiều hơn. Từ năm 2016 được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề, đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho người dân làm nghề. Người dân thôn Phú Hội 1 hi vọng với sự đầu tư của nhà nước xây dựng nhà trưng bày trầm hương, khi đã đi vào hoạt động trưng bày, thì sản phẩm trầm hương làm ra sẽ được nhiều tổ chức, cá nhân đón nhận nhiều hơn. Xa hơn sẽ duy trì, phát triển làng nghề ngày càng lớn mạnh, góp phần quảng bá sản phẩm của địa phương đến du khách du lịch trên toàn tỉnh và cả nước. Ông Phạm Trần Văn Triều, Phó chủ tịch UBND xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh cho biết:“Làng nghề trầm hương hình thành rất lâu rồi đến khoảng năm 2004 – 2005 các hộ mua bán nhộn nhịp trở lại. Từ đó người dân của thôn có thêm công việc làm, tăng thu nhập kinh tế gia đình. Đến 2016 được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh có làng nghề trầm hương thôn Phú Hội 1. Nhờ sự quan tâm của tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp, duy trì làng nghề nên hiện nay làng nghề đang chuẩn bị khánh thành nhà trưng bay trầm hương thôn phú hội 1. Sau khi nhà trưng bày đi vào hoạt động, chính quyền địa phương sẽ thành lập hợp tác xã trầm hương để các thành viên có điều kiện sản xuất, gia công và trưng bày, hướng đến mở rộng thị trường, phát triển làng nghề gắn với du lịch”.
Mặc dù đã có những bước phát triển thuận lợi, tuy nhiên qua tìm hiểu, sản phẩm của làng nghề Trầm Hương làm ra về lâu dài cũng cần sự giúp sức từ các ban, ngành của tỉnh, huyện để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây chính là yếu tố được chính quyền và người dân thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng hết sức quan tâm. Bởi hiện nay, phần lớn sản phẩm của người dân làm ra cũng chỉ “luẩn quẩn” trong khu vực nội huyện, nội tỉnh. Vì vậy trong thời gian tới, việc đẩy mạnh, giới thiệu, và trưng bày là bước đi đúng đắn để sản phẩm trầm hương thôn Phú Hội 1 ngày càng được biết đến nhiều hơn không chỉ người tiêu dùng trên cả nước mà còn giới thiệu đến du khách quốc tế./.
HOÀI DUY