Những năm trở lại đây, việc chuyển đổi trồng các loại cây kém năng suất cho hiệu quả không cao như bắp, ớt để chuyển sang trồng cây tỏi sẻ của một số hộ nông dân tại xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh0 bước đầu mang lại tín hiệu tích cực trong việc thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá. Tiêu biểu có hộ anh Trần Trung Tiến ở thôn Xuân Đông đã mạnh dạn chuyển hẳn sang trồng cây tỏi sẻ trên vùng cát đồi, mỗi năm thu nhập ròng mang lại cho gia đình từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Đến thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng vào buổi sáng cuối tháng 3, lúc ruộng tỏi hơn 8.000 mét vuông của hộ anh Trần Trung Tiến đang bắt đầu thu hoạch. Nghỉ tay trò chuyện với chúng tôi, anh Tiến cho biết gần 10 năm trước, anh là một trong những hộ nghèo của xã. Năm 1989 anh rời quê Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) vào vùng đất Dốc đá trắng, xã Vạn Hưng lập nghiệp và ổn định cuộc sống gia đình tại đây. Ban đầu anh mua 3 sào đất rừng đồi trồng cây bắp nhưng không hiệu quả. Năm 1995 anh cải tạo các sào đất chuyển sang trồng ớt. Tuy trồng ớt có lãi nhưng giá ớt thấp nên đời sống gia đình vẫn bấp bênh. Đến vài năm sau, khoảng từ năm 2000 đến 2004 anh mua ruộng trồng lúa, việc trồng lúa giúp cuộc sống gia đình anh bớt khó khăn hơn nhưng mỗi năm 3 đứa con ngày càng lớn, mọi việc trông chờ vào mấy sào lúa thì không có khả quan. Giai đoạn 2006 đến 2008 anh được một số hộ nông dân gần nhà giới thiệu giống tỏi sẻ Lý Sơn. Anh bắt tay vào trồng thử, ban đầu chỉ trồng ít sào, dần dần thấy hiệu quả nên mở rộng. Song trồng tỏi chưa có kinh nghiệm như anh nên vụ được vụ mất. Không nản lòng, anh Tiến chịu khó học hỏi những người trồng tỏi lân cận ở Vạn Hưng và ở Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa). Anh về bắt tay làm, đầu tư tiền của, công sức làm đất, đắp bờ và xây dựng đường ống dẫn nước để tưới tiết kiệm. Vụ thu hoạch 3 sào tỏi đầu tiên anh thu lãi hơn 30 triệu đồng. Thấy đất không phụ lòng người, anh tiếp tục khai hoang đất vườn đồi của nhà để trồng. Sau hơn 10 năm, diện tích trồng cây tỏi hiện nay của gia đình anh hơn 8.000 mét vuông (tương đương 16 sào). Bình quân mỗi vụ, 1 sào cho thu hoạch từ 7 đến 8 Tạ tỏi tươi, mỗi ký tỏi thương lái thu mua từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng, có năm giá tỏi tươi tăng cao 40.000 đồng/1 kilogam, lợi nhuận mang lại mỗi năm cho gia đình anh từ 150 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng. “Cứ 1 năm trên chân ruộng đã đầu tư, nhà tôi trồng cây tỏi sẻ chính vụ đông xuân, thường xuống giống tháng 10 âm lịch đến gần tháng 2 âm lịch sẽ cho thu hoạch. Sau đó tận dụng chất đất trồng tỏi, tôi luân canh trồng cây hành hoặc cây dưa hấu. Qua nhận định thấy hiệu quả rất rõ rệt từ việc trồng các loại cây ngắn ngày luân canh trên cùng một chân ruộng tỏi”. Anh Trần Trung Tiến (thôn Xuân Đông) chia sẻ.
Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh Trần Trung Tiến còn là thành viên nòng cốt của Tổ hợp tác trồng tỏi sẻ xã Vạn Hưng, anh luôn tham gia các hội nghị tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm trồng tỏi cho bà con nông dân trong vùng. Đặc biệt anh thường đi đến vùng tỏi nổi tiếng của cả nước như vùng chuyên canh trồng tỏi sẻ ở huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) để có thêm kiến thức và kinh nghiệm trồng, chăm sóc về giúp bà con áp dụng sản xuất sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao; đồng thời biết cách bảo quản giống để tái sản xuất các vụ tiếp theo. “Tỏi phát triển tốt và cho năng suất cao hay không, ngoài việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh thì khâu để giống rất quan trọng đó là phải đảm bảo phơi đủ nắng và sạch bệnh trước khi được sản xuất”. Anh Tiến chia sẻ thêm.
Hiện nay, toàn xã Vạn Hưng có trên 100 hộ gia đình trồng tỏi sẻ, với tổng diện tích khoảng 150 hecta. Nhiều năm qua, cây tỏi là một trong những cây trồng chính của xã Vạn Hưng, đã giúp nhiều hộ gia đình từ nghèo khó từng bước vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu có hộ gia đình anh Trần Trung Tiến ở thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng. Hàng năm anh luôn được bình chọn là gương điển hình làm kinh tế giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và nhận nhiều giấy khen của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện và UBND xã Vạn Hưng. Anh Trần Trung Tiến cũng là một trong số ít người có thâm niên trồng cây tỏi sẻ trên 10 năm tại xã Vạn Hưng. Ông Trần Ngọc Phú, chủ tịch Hội nông dân xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh cho biết: “Gần 10 năm trước hộ ông Trần Trung Tiến thuộc hộ nghèo nhưng được sự hỗ trợ của chính quyền và Hội nông dân xã, ông Tiến đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ bắp, rau đậu, hoa màu kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây tỏi sẻ mang lại hiệu quả cao, đến năm 2010 hộ gia đình ông Trần Trung Tiến vươn lên thoát nghèo và đến nay sau gần 10 năm ông là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi của địa phương và thời gian tới Hội nông dân xã sẽ kiến nghị chính quyền địa phương nhân rộng các gương điển hình như ông Tiến để giúp bà con học hỏi làm kinh tế thoát nghèo”.
Rời thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng khi trời tháng 3 nắng đổ gay gắt, nhìn các đám ruộng tỏi chín vàng của hộ ông Trần Trung Tiến, chúng tôi nghĩ ngợi về một thời trước đó vùng này còn hoang hóa, lác đác một số hộ trồng trọt hoa màu, nhưng hôm nay cây tỏi đã là cây trồng chính tiếp thêm động lực cho nhiều hộ gia đình chịu khó làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
HOÀI DUY