Tham gia
BHYT theo hộ gia đình lần đầu tiên được luật hóa tại Luật Sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật BHYT. Quy định về nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia
đình được xem là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu BHYT
toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định. Được chính thức triển khai từ ngày
01/01/2015, trải qua hơn một năm, việc thực hiện BHYT đối với nhóm đối tượng
tham gia BHYT theo hộ gia đình đã có được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy những vấn đề đặt ra, cần có sự nhìn nhận thấu
đáo để có giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn.
Có thể
hiểu, tham gia BHYT theo hộ gia đình là việc toàn bộ người có tên trong sổ hộ
khẩu (không bao gồm người đã khai báo tạm vắng) hoặc sổ tạm trú cùng tham gia
BHYT, trừ những thành viên gia đình đã thuộc đối tượng đã tham gia BHYT thuộc
nhóm do người lao động, chủ sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng;
các nhóm được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT. Như vậy,
nếu người dân không thuộc các nhóm đối tượng tham gia BHYT có sự hỗ trợ trực
tiếp một phần hoặc toàn bộ phí tham gia BHYT từ người sử dụng lao động, tổ chức
BHXH hay Nhà nước thì sẽ tham gia BHYT hộ gia đình bằng cách tự đóng góp phí
BHYT. BHYT theo hộ gia đình như là tấm “lưới đỡ” sau cùng cho những người dân
chưa thuộc bất kỳ nhóm đối tượng tham gia BHYT nào khác, đảm bảo mọi người dân
trong xã hội đều có cơ hội được bảo vệ bởi BHYT. Vậy, tham gia BHYT theo hộ gia
đình nói riêng, người dân nhận được những lợi ích gì?
Người tham
gia BHYT theo theo hộ gia đình được hưởng đầy đủ những quyền lợi của BHYT.
Người tham gia được cấp thẻ BHYT để sử dụng khi khám, chữa bệnh và hưởng các
quyền lợi BHYT, được trợ cấp tài chính cho những dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh,
phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con với mức hưởng tùy theo từng
trường hợp: khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT hoặc theo quy
định về chuyển tuyến điều trị, đảm bảo thủ tục khám, chữa bệnh BHYT; tự đi
khám, chữa bệnh không đúng tuyến; khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh
giáp ranh của hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; khám chữa bệnh theo
yêu cầu. Quyền lợi hưởng BHYT theo hộ gia đình cơ bản đầy đủ, tương đồng với
những nhóm đối tượng khác tham gia BHYT, mặc dù mức phí tham gia BHYT theo hộ
gia đình khá có lợi đối với các hộ gia đình. Ở mức cao nhất, Quỹ BHYT có thể
chi trả tới 80% chi phí khám, chữa bệnh BHYT và bệnh nhân có thẻ BHYT chỉ cần
thực hiện đồng chi trả 20% chi phí. Do vậy, tham gia BHYT theo hộ gia
đình chính là việc mỗi cá nhân, gia đình tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản
thân và tất cả các thành viên của gia đình mình.
Trong xu
hướng tăng cao của chi phí y tế hiện nay, cá nhân, hộ gia đình hơn lúc nào hết
cần tham gia BHYT nói chung, BHYT theo hộ gia đình nói riêng. Do tính chất đặc
biệt của dịch vụ BHYT - chất lượng của loại dịch vụ này phụ thuộc chủ yếu vào
chất lượng dịch vụ y tế, cùng với xu thế phát triển, dịch vụ y tế ngày càng tốt
hơn, nhưng mức chi phí y tế cũng ngày càng tăng mạnh. Việc điều chỉnh tăng giá
dịch vụ y tế là một tất yếu khách quan, đồng thời là yêu cầu trong công cuộc
đổi mới căn bản cơ chế tài chính y tế và tạo động lực quan trọng nâng cao chất
lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Việc tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh chắc chắn
gây sức ép kinh tế không nhỏ cho cá nhân, các gia đình, đặc biệt với trường hợp
bệnh nặng, điều trị dài ngày, điều kiện kinh tế hạn hẹp. Do đó, tham gia BHYT
nói chung, BHYT theo hộ gia đình nói riêng, chính là một giải pháp hiệu quả để
hạn chế gánh nặng tài chính khi rủi ro ốm đau, bệnh tật.
Cùng với
việc nhận thức rõ những trợ cấp tài chính quan trọng của BHYT đối với người
tham gia BHYT theo hộ gia đình, một hiểu biết đầy đủ về quy định việc đóng phí
BHYT mang tính “khuyến khích” từ Nhà nước sẽ là tạo thêm động lực thúc đẩy
người dân quan tâm hơn tới việc tham gia BHYT theo hộ gia đình. Hiện nay, mức
đóng BHYT tối đa cho thành viên hộ gia đình bằng 4,5% mức lương cơ sở, dần lũy
thoái lần lượt theo thứ tự người cùng hộ tham gia BHYT, tới mức thấp nhất chỉ
bằng 40% của 4,5% mức lương cơ sở. Cụ thể, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức
lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức
đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của
người thứ nhất (Quy định mức giảm trừ chỉ loại trừ đối với với hộ gia đình được
ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng). So sánh với việc tham gia BHYT cho
từng cá nhân đơn lẻ, có thể thấy rõ lợi ích kinh tế của người đóng phí BHYT khi
tham gia BHYT theo hộ gia đình. Nếu gia đình càng có nhiều người cùng tham gia
BHYT theo hộ gia đình, chi phí mua thẻ càng giảm và mức giảm tương đối nhiều.
Hơn nữa, dự liệu cho trường hợp điều chỉnh mức đóng để cân đối quỹ, cộng thêm
yếu tố đặc thù của căn cứ đóng BHYT theo hộ gia đình có dựa trên mức tiền lương
cơ sở - là một yếu tố động, có thể được điều chỉnh, pháp luật còn có quy định
về việc xác định mức đóng BHYT khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, mức tiền
lương cơ sở. Theo đó, khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở
thì người tham gia không phải đóng bổ sung phần chênh lệch do điều chỉnh mức
đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại đã đóng BHYT. Điều
này cũng rất có lợi cho người đóng BHYT khi mà xu hướng chung của việc điều
chỉnh mức đóng BHYT, mức tiền lương cơ sở thường tăng lên. Về phương thức đóng,
định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, đại diện hộ gia đình, tổ chức, cá
nhân đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng vào Quỹ BHYT. Đây chính là một
giải pháp hỗ trợ những hộ gia đình còn khó khăn về kinh tế, khi họ không thể
hoặc khó có điều kiện đóng phí BHYT cho cả năm thì có thể lựa chọn đóng làm
nhiều đợt trong năm (03 tháng hoặc 06 tháng một lần). Không thể phủ nhận các
quy định về việc đóng phí tham gia BHYT theo hộ gia đình hiện nay thể hiện sự
chia sẻ tài chính rất lớn của Quỹ BHYT đối với người dân.
Bên cạnh
những lợi ích thiết thực mà người tham gia BHYT theo hộ gia đình có thể được
nhận, tham gia BHYT theo hộ gia đình đồng thời thể hiện trách nhiệm của mỗi cá
nhân và gia đình đối với xã hội, bảo đảm tính nhân văn, tương trợ cộng đồng, nguyên
tắc chia sẻ rủi ro ngay từ trong gia đình. Trước khi Luật Sửa đổi, bổ sung Luật
BHYT có hiệu lực, BHYT tự nguyện vẫn còn được triển khai, hiện tượng “lựa chọn
ngược” diễn ra khá phổ biến, nhiều người dân khi có nhu cầu sử dụng đến dịch vụ
y tế mới mua thẻ BHYT, hay các gia đình thường chỉ mua thẻ BHYT cho những thành
viên có nguy cơ ốm đau, bệnh tật cao nhất. Điều này một mặt đã làm “méo mó” bản
chất nhân văn vốn có trong BHYT cũng như không phù hợp với mục đích tạo nên một
kênh tích lũy cho sức khỏe (khi khỏe mua BHYT để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật,
người khỏe mạnh chia sẻ với người ốm yếu hơn) của chính sách BHYT, tham gia
BHYT nói chung, tham gia theo nhóm hộ gia đình nói riêng thể hiện tinh thần
tương thân tương ái tốt đẹp giữa các thành viên xã hội. “Tham gia BHYT hộ gia
đình vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội được chia sẻ với cộng đồng”. Với
nhận thức đầy đủ về tính tất yếu, tầm quan trọng của BHYT nói chung, ý nghĩa
của BHYT hộ gia đình nói riêng của người dân, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của
toàn bộ hệ thống chính trị, việc đa dạng hóa, linh hoạt hóa công tác tuyên
truyền, triển khai trong thực tiễn, tin rằng BHYT theo hộ gia đình sẽ sớm đạt
được những thành tựu to lớn, đáp ứng mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân./.
Thực hiện: HQL